Thuốc điều trị Covid-19 Việt chưa thử nghiệm trên người

GD&TĐ - Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, khi ra khỏi cơ thể sống, virus sẽ nhanh chóng bị bất hoạt. Tải lượng virus giảm nhanh theo hàm số mũ và biến mất.

Đề cương nghiên cứu lâm sàng thuốc Vipdervir trên bệnh nhân Covid-19 đã được chấp thuận.
Đề cương nghiên cứu lâm sàng thuốc Vipdervir trên bệnh nhân Covid-19 đã được chấp thuận.

Do đó, cần chờ kết quả thử nghiệm trên người để kết luận tính hiệu quả của thuốc điều trị Covid-19 Vipdervir.

Tăng miễn dịch trên mô hình nghiên cứu

Ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 “made in Vietnam” Vipdervir. Nhằm bào chế thuốc, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc các hoạt chất chính. Đồng thời, xác định tạo được tổ hợp trong các thảo dược có ái lực liên kết mạnh với các    đích phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của SARS-CoV-2.

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.

Thuốc Vipdervir được nghiên cứu, đánh giá về tính an toàn, độ ổn định, cũng như khả năng ức chế tăng sinh của virus cúm A/H5N1 và virus SARS-CoV-2. Với nồng độ 50 mg/mL thuốc có khả năng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2 ở nồng độ 10 PFU. Con số này tương ứng với giá trị Ct = 20,5 khi xét nghiệm bằng kỹ thuật real-time PCR.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, thuốc được bào chế từ nhiều loại thảo dược Việt Nam chứa các hoạt chất có hoạt tính sinh dược quý, tác dụng theo các cơ chế khác nhau. Trước hết là phong tỏa Protein Spike-S của virus SARS-CoV-2 và thụ thể ACE2 trên tế bào chủ. Nhờ đó, ngăn chặn sự tiếp xúc và xâm nhập của virus vào tế bào.

Ngoài ra, thuốc có thể ức chế các enzyme liên quan tới quá trình nhân lên của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, kích hoạt các tế bào của hệ miễn dịch người bệnh. Các cơ chế này sẽ cộng hưởng tác động, giúp phòng và điều trị Covid-19.

Trong cuộc họp ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học Quốc gia - Bộ Y tế đã chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc Vipdervir.

Cần 4 - 6 tháng chứng minh hiệu quả?

Chia sẻ về thuốc điều trị  Covid-19 “made in Vietnam”, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhận định, Vipdervir hiện ở giai đoạn nghiên cứu Invitro. Điều này có nghĩa là nghiên cứu trong ống nghiệm, phòng thí nghiệm, ngoài cơ thể con người.

“Với mọi loài virus, nghiên cứu ngoài cơ thể khác nhau quá xa với nghiên cứu trong cơ thể”, bác sĩ Phúc nhận định.

Cụ thể, virus có vật liệu di truyền là một phân tử RNA. Virus không thể tự sinh trưởng và bắt buộc phải dựa vào tế bào cơ thể người đang sống tổng hợp giúp cho vật liệu di truyền RNA.

Để tổng hợp RNA, tế bào phải cung cấp năng lượng gọi là ATP. Năng lượng ATP được tạo ra trong ty thể. Chỉ tế bào ở trong cơ thể người đang sống có thể sinh ra năng lượng ATP. Khi đó, virus có thể tồn tại và nhân lên.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phúc, khi ra khỏi cơ thể sống, virus sẽ nhanh chóng bị bất hoạt. Tải lượng virus giảm nhanh theo hàm số mũ và biến mất. Do đó, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng không ngoại lệ.

“Nghiên cứu trong ống nghiệm, tức là lấy virus trộn vào thuốc, rồi đợi một thời gian mang đi xét nghiệm PCR. Vậy theo nguyên lý của sinh học phổ thông, virus đã tự chết nên kết quả chưa nói được gì nhiều. Như vậy, chúng ta trộn thuốc đông y với virus 100 PFU (tức là 100 con virus).

Sau thời gian nhất định xét nghiệm PCR, thấy chỉ còn 10 PFU (tức là đã biến mất 90 con virus), chưa thể vội vàng khẳng định thuốc đã ức chế hay tiêu diệt virus thành công”, bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ.

Theo bác sĩ Phúc, để biết thuốc có hiệu quả không, việc chờ nghiên cứu trên cơ thể người là yếu tố bắt buộc. Nhận định về quá trình thử nghiệm, bác sĩ Phúc cho rằng, do là thuốc chiết xuất từ 28 thảo dược quen thuộc, nên Vipdervir có thể được bỏ qua giai đoạn 1. Điều này có nghĩa là không cần đánh giá tính an toàn trên người tình nguyện.

“Giai đoạn 2 sẽ là thử nghiệm đánh giá khả năng giảm tải lượng virus của thuốc, kết hợp thêm đánh giá tính an toàn. Từ đó, chọn liều tối ưu. Giai đoạn này sẽ chọn cỡ mẫu bệnh nhân chia thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất đối chứng, chỉ điều trị theo phác đồ nền. Nhóm thứ hai, điều trị theo phác đồ nền cùng với thuốc. Kết thúc nghiên cứu, so sánh tải lượng virus theo thời gian ở hai nhóm. Nếu có bằng chứng thuốc tác dụng thì sẽ tiếp tục nghiên cứu với liều tối ưu”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Giai đoạn 3 sẽ chọn cỡ mẫu bệnh nhân lớn chia thành hai nhóm. Nhóm chứng điều trị phác đồ nền. Nhóm nghiên cứu có điều trị phác đồ nền kèm theo thuốc. Kết thúc nghiên cứu, so sánh tải lượng virus theo thời gian ở hai nhóm, các kết quả lâm sàng khác.

“Như vậy, để biết thuốc thảo dược Vipdervir có tác dụng điều trị Covid-19 hay không, chúng ta sẽ phải chờ thời gian ít nhất 4 - 6 tháng nữa”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.