Những nhiệm vụ không gian quan trọng năm 2025

GD&TĐ - Năm 2025 đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong khám phá vũ trụ...

SpaceX sẽ thử nghiệm tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất.
SpaceX sẽ thử nghiệm tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất.

Có thể kể tới nhiều dự án không gian táo bạo và tham vọng từ các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng đến việc chuyển nhiên liệu trên quỹ đạo và thăm dò sao Hỏa…

Đổ bộ lên Mặt trăng

Vào cuối tháng 1/2025, Công ty Hàng không vũ trụ Firefly Aerospace, trụ sở tại Mỹ, sẽ khởi động dự án “Ghost Riders in the Sky”, trong đó, đưa tàu đổ bộ Blue Ghost 1 và robot tự hành của NASA lên Mặt trăng.

Điểm đến của tàu là Mons Latreille, một núi lửa được hình thành cách đây hơn 3 tỷ năm trên bề mặt Mặt trăng. Trong 14 ngày tiếp cận Mặt trăng, tàu sẽ thu thập dữ liệu về lớp đất đá và phản ứng của nó với gió Mặt trời và từ trường Trái đất.

Gần cuối hành trình, Blue Ghost 1 sẽ chụp ảnh hoàng hôn trên Mặt trăng và nghiên cứu những thay đổi trên bề mặt vào lúc chạng vạng. Cùng thời gian này, công ty hàng không vũ trụ Intuitive

Machines sẽ phóng tàu IM-2 đến cực Nam của Mặt trăng. Dự án này đo đạc các hợp chất dễ bay hơi trong lớp đất trên bề mặt Mặt trăng và lập bản đồ các mỏ nước để hỗ trợ các sứ mệnh khác trong tương lai.

Nhìn chung, các dự án đổ bộ lên Mặt trăng trong năm 2025 sẽ mang theo nhiều thiết bị và thí nghiệm khoa học công nghệ nhằm nghiên cứu địa chất, môi trường của Mặt trăng. Trong tương lai xa hơn, giới khoa học sẽ đưa con người trở lại khám phá “vệ tinh của Trái đất”.

Tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo

Vào tháng 3, SpaceX sẽ thử nghiệm tiếp nhiên liệu cho tàu Starship trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất. Hai tàu Starship không người lái sẽ được phóng cách nhau vài tuần, với tàu thứ hai đóng vai trò là tàu tiếp nhiên liệu.

Hai tàu sẽ gặp nhau và kết nối trong quỹ đạo, trong lúc đó, một tàu sẽ tiếp nhiên liệu cho tàu kia. Sau đó, cả hai sẽ trở lại Trái đất. Đây được xem là một bước tiến quan trọng để chứng minh khả năng hỗ trợ giữa các tàu không gian trong các dự án thăm dò Mặt trăng và sao Hỏa.

Thành công của thử nghiệm này sẽ củng cố kế hoạch của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) sử dụng Starship làm Hệ thống Hạ cánh Con người (HLS) trong sứ mệnh Artemis đưa con người lên Mặt trăng, dự kiến vào năm 2027.

Khoa học Trái đất từ không gian

Trong tháng 3, chúng ta sẽ chứng kiến sự hợp tác giữa NASA và ISRO (Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ) trong sứ mệnh Radar Khẩu độ Tổng hợp (NISAR). Đây là hệ thống quan sát quỹ đạo Trái đất tầm thấp. NISAR sẽ quét phần lớn bề mặt Trái đất 7 ngày một lần và sử dụng radar để đo chuyển động của bề mặt với độ chính xác cực cao.

Hệ thống cũng cung cấp dữ liệu phục vụ nghiên cứu những thay đổi trong hệ sinh thái, băng khối, sinh khối thực vật, nước biển dâng, nước ngầm và các hiểm hoạ tự nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa và lở đất.

Ngoài ra, Mỹ và Ấn Độ cũng đang hợp tác đưa phi hành gia Ấn Độ đầu tiên, ông Shubhanshu Shukla, lên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào tháng 4/2025.

Tiếp cận sao Hỏa

Sau khi bị hoãn vào năm 2024 thì dự kiến vào mùa Xuân năm 2025, NASA sẽ phóng lên sao Hỏa sứ mệnh nghiên cứu khoa học mang tên ESCAPADE (Escape and Plasma Acceleration and Dynamics Explorers).

Sứ mệnh ESCAPADE sẽ sử dụng 2 tàu vũ trụ “Blue” và “Gold” giống hệt nhau để nghiên cứu cách gió Mặt trời tương tác với môi trường từ trường của sao Hỏa, thúc đẩy sự thoát khí quyển của hành tinh này. Hai tàu vũ trụ sẽ thu thập dữ liệu về plasma và từ trường từ “hành tinh Đỏ”.

Sứ mệnh này bị trì hoãn do các vấn đề về tên lửa phóng nhưng các nhà khoa học cho biết họ đã tìm ra phương án giảm áp lực khi phóng tàu vũ trụ từ Trái đất. Cụ thể, họ sẽ “mượn” trọng lực từ sao Kim nhưng điều này sẽ khiến hành trình phóng kéo dài thêm 1,5 năm.

nhung-nhiem-vu-khong-gian-quan-trong-nam-2025-2.jpg
Khám phá sao Hỏa là nhiệm vụ không gian quan trọng trong năm 2025.

Thám hiểm tiểu hành tinh

Tháng 5/2025, Trung Quốc sẽ phóng tàu vũ trụ Thiên Vấn 2, nằm trong nhiệm vụ Thiên Vấn 2, vào không gian để thăm dò sao Chổi và mang mẫu vật tiểu hành tinh gần nhất trở về Trái đất. Sau khi mang mẫu vật tiểu hành tinh về, tàu sẽ tận dụng lực hấp dẫn để tiến tới sao Chổi 311P/PANSTARRS và hoàn thành sứ mệnh kép là khám phá tiểu hành tinh và sao Chổi.

Tàu vũ trụ sẽ sử dụng cả kĩ thuật chạm và rời cùng kĩ thuật neo bám để thu thập mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh. Dự án này sẽ mở rộng hiểu biết của các nhà khoa học về quá trình hình thành và tiến hoá của hệ Mặt trời cũng như nguồn gốc của nước và phân tử hữu cơ trên Trái đất.

Ngoài ra, năm 2025 cũng đánh dấu kết thúc cho sứ mệnh lịch sử trên sao Mộc của NASA. Cụ thể, sau gần một thập kỉ nghiên cứu sao Mộc và các vệ tinh của nó, tàu vũ trụ Juno sẽ dừng hoạt động vào tháng 9. Tàu sẽ lao vào bầu khí quyển dày đặc bụi khí của sao Mộc để hạn chế tối đa ảnh hưởng lên “Mặt trăng” Europa của sao Mộc vì nơi đây có khả năng tồn tại sự sống ngoài hành tinh.

Bên cạnh đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến tiến hành bay thử nghiệm lên quỹ đạo máy bay vũ trụ không người lái Space Rider vào quý III năm 2025. Tàu Space Rider sẽ ở trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp trong hai tháng để thực hiện các thí nghiệm công nghệ và vi trọng lực, trước khi quay trở lại và sẵn sàng cho các sứ mệnh tiếp theo. Đây là nỗ lực của châu Âu nhằm duy trì quyền tiếp cận độc lập vào không gian.

Năm 2025 sẽ chứng kiến những sứ mệnh không gian đầy tham vọng từ các quốc gia và tổ chức hàng không trên toàn cầu. Từ việc khám phá Mặt trăng và sao Hỏa đến nghiên cứu khí hậu Trái đất, mỗi sứ mệnh đều góp phần mở rộng kiến thức của nhân loại về vũ trụ, đồng thời đặt nền móng cho các bước tiến xa hơn trong tương lai.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ