Lựa chọn còn ảnh hưởng đến định hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh. Thực tế, một bộ phận học sinh ưu tiên chọn môn thi được xem là “dễ”, nhằm tăng cơ hội đạt điểm cao và bảo đảm đỗ tốt nghiệp.
Xu hướng chọn môn thi “an toàn”
Có con học tại trường THPT chuyên của Hà Nội, chị Đặng Thị Minh Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời điểm này học sinh trong lớp đã “chốt” môn sẽ thi tốt nghiệp THPT. Cùng đó, học sinh cơ bản chuẩn bị xong từ sớm điều kiện “cần” để vào đại học với điểm SAT, IELTS khá cao, dù không phải em nào cũng đi du học.
Vì chỉ còn điều kiện “đủ” là đỗ tốt nghiệp THPT nên đa số học sinh chọn môn thi dễ học, dễ đạt điểm cao. “Theo chia sẻ của con, hầu hết chọn Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Tiếng Anh là môn chuyên nên thi đạt điểm cao nằm trong tầm tay. Giáo dục kinh tế và pháp luật thường là môn có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao nhất, có nhiều điểm 10 nhất”, chị Đặng Thị Minh Nguyệt cho hay.
Tại Trường THCS và THPT Trưng Vương, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), từ cuối năm học 2023 - 2024, nhà trường tiến hành khảo sát 248 học sinh lớp 11 về lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Trang, kết quả, trong tổng số 248 học sinh, có 5 em lựa chọn Tin học, 25 em lựa chọn Giáo dục kinh tế và pháp luật, không có học sinh lựa chọn môn Công nghệ, ít học sinh chọn các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Tỷ lệ học sinh chọn môn Lịch sử và Địa lý chiếm đa số.
Đầu năm học 2024 - 2025 và giữa học kỳ I, nhà trường tiếp tục tổ chức tư vấn, định hướng và cho học sinh lớp 12 lựa chọn lại 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Kết quả lựa chọn có thay đổi. Nhìn chung, học sinh đăng ký đủ các môn, trong đó nhiều nhất là Địa lý (221 học sinh), ít nhất Tin học (1 học sinh). Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật cũng được nhiều học sinh lựa chọn.
“Có lẽ, tâm lý học sinh, phụ huynh ở giai đoạn này thận trọng hơn, nhằm mục đính đỗ tốt nghiệp THPT, nên ưu tiên theo phương án an toàn. Tôi cho rằng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 cấp THPT là định hướng nghề nghiệp. Do đó, lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, học sinh tuyệt đối không nên cảm tính, theo số đông mà hãy căn cứ sở thích, năng lực, xu hướng xã hội và định hướng nghề nghiệp của bản thân, trên nền tổ hợp môn học đã lựa chọn từ lớp 10.
Tuy nhiên, với Trường THCS và THPT Trưng Vương, do đầu vào thấp hơn nhiều so với các trường THPT trên cùng địa bàn, nhiều năm trở lại đây, đa số học sinh lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội/môn thi xã hội để dự thi tốt nghiệp. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trường 5 năm liền (từ 2019 đến 2024) đều đạt 100% nên nhiều học sinh vẫn quyết định chọn môn với tiêu chí “dễ thi - dễ đỗ - dễ đạt điểm cao - an toàn”, cô Lê Thị Trang chia sẻ.
Trong khi đó, tại Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên), chia của cô giáo Vũ Thị Anh, học sinh lựa chọn môn thi trên cơ sở tổ hợp vào lớp 10 đã chọn. Thực tế, không có môn thi dễ hay khó. Vấn đề là các em học và định hướng tương lai nghề nghiệp thế nào để lựa chọn tổ hợp thi đạt kết quả cao, có thể xét tuyển vào đại học với ngành nghề mình yêu thích. Nhà trường tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT vào đầu tháng 1/2025.
Sau kỳ thi này, học sinh đánh giá được phần nào năng lực để bồi đắp thêm kiến thức bị thiếu hụt. Cũng có một số em “quay xe”, lựa chọn lại môn thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với năng lực học tập. Sau khi có kết quả thi thử lần 1, giáo viên chủ nhiệm đã thông tin tới cha mẹ học sinh để nắm được tình hình học lực của con em, từ đó hỗ trợ, tư vấn lựa chọn môn thi, khối thi sao cho hợp lý.
Cần xuất phát từ mục tiêu học tập, nghề nghiệp
Theo thầy Vũ Ngọc Hòa - Trường THPT Biên Hòa (Đồng Nai), xu hướng chọn môn dễ học, dễ ghi điểm xuất phát từ mong muốn đỗ tốt nghiệp, tâm lý tránh áp lực và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, xu hướng này có thể dẫn đến hệ lụy nếu không cân nhắc kỹ lưỡng. Chọn môn chỉ dựa trên mức độ dễ hay khó mà không quan tâm đến sở thích, năng lực bản thân, định hướng nghề nghiệp có thể gây khó khăn khi các em bước vào bậc học cao hơn hoặc thị trường lao động.
“Chọn môn thi nên dựa trên khả năng, đam mê, định hướng tương lai mỗi cá nhân. Nếu học sinh giỏi môn Tự nhiên nhưng chọn môn Xã hội vì dễ đỗ có thể khiến các em lãng phí năng lực thực sự. Ngược lại, học sinh yêu thích môn Xã hội và chọn đúng môn thế mạnh, các em sẽ phát huy tối đa khả năng, đạt kết quả tốt và cảm thấy tự tin hơn trong tương lai.
Việc chọn môn dễ thi chỉ có thể bảo đảm lợi ích trước mắt, nhưng không tạo nền tảng vững chắc để phát triển”, chia sẻ điều này, thầy Vũ Ngọc Hòa đưa lời khuyên: Học sinh cần dành thời gian để tự đánh giá năng lực, sở thích, tham khảo ý kiến từ giáo viên, phụ huynh trước khi đưa ra quyết định. Điều quan trọng là hiểu rõ mục tiêu học tập và nghề nghiệp bản thân. Nếu định hướng theo ngành kỹ thuật, công nghệ, môn Tự nhiên như Vật lý, Hóa là lựa chọn cần thiết.
Nếu yêu thích ngành khoa học xã hội, ngoại ngữ hay sư phạm, môn Lịch sử, Địa lý sẽ phù hợp hơn. Học sinh cũng nên tham khảo đề thi các năm trước để hình dung mức độ khó, từ đó có kế hoạch ôn luyện phù hợp. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào thế mạnh của bản thân sẽ giúp các em đạt kết quả tốt nhất.
Để đảm bảo công tác ôn thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả cao, cô Lê Thị Trang cho biết, Trường THCS và THPT Trưng Vương đã chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với từng nhóm học sinh.
Tiếp tục thực hiện phân hóa (học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, lấy điểm thi xét tuyển đại học) để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp. Riêng đối với 2 môn tự chọn, nhà trường tư vấn các em cố gắng giữ ổn định và không nên thay đổi gian đoạn này, để tập trung ôn tập đạt kết quả tốt nhất.
Giúp học sinh chọn môn thi phù hợp, nhiều trường THPT đã triển khai chương trình tư vấn hướng nghiệp, mời chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm hoặc tổ chức các buổi gặp gỡ giữa học sinh, giáo viên và phụ huynh. Các buổi học định hướng giúp học sinh nắm rõ yêu cầu từng môn thi, hiểu mối liên hệ giữa môn học và ngành nghề trong tương lai. Ngoài ra, giáo viên bộ môn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh. Thông qua các giờ học, giáo viên có thể đánh giá năng lực, gợi ý học trò nên chọn môn nào phù hợp. - Thầy Vũ Ngọc Hòa