Phát triển da từ mô để chữa lành vết thương

GD&TĐ - Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc biến tế bào mô thành tế bào da để dùng cho việc làm lành các vết thương nghiêm trọng, một kỹ thuật có thể cách mạng hóa phương pháp chữa trị cho những bệnh nhân bị bỏng và nhiều loại vết thương nghiêm trọng khác. 

Thành công bước đầu mở ra cơ hội hồi phục phần da của những ca bỏng nặng
Thành công bước đầu mở ra cơ hội hồi phục phần da của những ca bỏng nặng

Nghiên cứu này là đỉnh cao tích lũy của cả một thập kỷ làm việc và mang lại hy vọng cho nhiều người, bao gồm những bệnh nhân bỏng nặng hoặc những người cao tuổi mắc bệnh lở loét và nhiều tổn thương định kỳ khác.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, xoay quanh kỹ thuật gọi là “tái lập trình tế bào” trong đó gen được chèn vào tế bào để biến chúng từ dạng này sang dạng khác. “Đây là mô tả đầu tiên về việc tái lập trình tế bào mô thành tế bào da. Tôi rất háo hức về kết quả nghiên cứu” - tác giả chính của công trình, Masakazu Kurita trao đổi.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Kurita là giáo sư tại ĐH Tokyo và đã bắt đầu nghiên cứu về kỹ thuật này từ 10 năm trước. Ông đã trải qua 1 chặng đường dài và gian khó để làm hoàn hảo kỹ thuật này. Giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu liên quan tới việc tìm ra các gen có trong tế bào da những không có trong tế bào mô để có thể chia tách chúng ra rồi đưa chúng vào tế bào mô, qua đó tạo nên sự biến đổi. “Chúng tôi đã chọn ra khoảng 80 gen có trong tế bào da rồi thử từng kết hợp” - Kurita cho biết.

Ông đạt được bước đột phá trong năm 2014, khi thành công tái lập trình tế bào mô thành tế bào da trên 1 đĩa petri sử dụng sự kết hợp của 28 gen. Năm 2015, ông chuyển đến Viện Nghiên cứu Sinh học Salk ở California để cộng tác với một nhóm chuyên gia đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ông và đồng nghiệp đã tiến hành tổng cộng khoảng 2.000 thử nghiệm với các kết hợp gen khác nhau để tìm ra cách biến đổi tế bào hiệu quả nhất.

Cuối cùng, họ đã tìm ra 1 kết hợp của 4 gen và bắt đầu thử nghiệm nó trên vết thương của chuột thí nghiệm. Họ làm kín vết thương khỏi các vùng da xung quanh để mô phỏng các điều kiện khó khăn ở trung tâm của 1 vết bỏng lớn hoặc vết thương tương tự, trong đó không có bất kì vùng da liền kề nào tiếp xúc để thúc đẩy quá trình tự chữa lành của vết thương.

Sử dụng công nghệ cùng với các phương pháp điều trị bằng thuốc hiện có, họ đã chữa lành tổn thương với đường kính khoảng 1cm trong vòng 2 tuần. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy tính khả thi của 1 liệu pháp hoàn toàn mới cho việc đóng kín vết thương gây ra bởi đa nguyên nhân” - Kurita giải thích.

Một trong những ứng dụng rõ ràng nhất là điều trị cấy ghép da cho các trường hợp bỏng nặng thành mảng lớn trên cơ thể. “Khi các khu vực bỏng cực kỳ rộng và không có da để cấy ghép, không 1 ai có thể cứu nổi cho bệnh nhân.... Kỹ thuật này sẽ mở ra con đường sống cho họ” - ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ rằng nghiên cứu vẫn còn lâu mới ở tình trạng đủ hoàn thành để đưa vào áp dụng y tế và có khi còn cần ít nhất thêm khoảng một thập niên nữa. Ông muốn nghiên cứu tìm ra cách kết hợp 4 gen còn hiệu quả hơn so với hiện tại.

Các nghiên cứu tương lai có thể sẽ phát triển một hệ thống vận chuyển thiết kế đặc biệt cho kỹ thuật này còn hiệu quả hơn. Và Kurita tin rằng vẫn còn nhiều việc để làm về các loại thuốc sử dụng cho việc hỗ trợ quá trình hồi phục. Kurita khẳng định việc nghiên cứu thận trọng trong tương lai là rất cần thiết để loại trừ mọi tác dụng phụ có thể xảy ra.

Theo Seeker, AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ