Những trường hợp nào không tiêm hoặc hoãn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19?

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật...

Những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh: Duyên Phan.
Những nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19. Ảnh: Duyên Phan.

Theo báo cáo hướng dẫn về an toàn tiêm chủng của TS.BS Vũ Minh Điền - Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm:

Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở.

Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng): Chống chỉ định tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực.

Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng gồm: Có tình trạng suy chức năng cơ quan. Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (tại nách).

Người mới dùng các sản phẩm Globumin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.

Người đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (prednisolon 2mg/kg/ngày) hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.

Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine. Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi... chưa ổn định.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý

Tại cuộc họp trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trên cả nước để triển khai công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn.

Đây chỉ là một trong số các bước mà Việt Nam thực hiện trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 để bảo đảm an toàn cho người được tiêm. Toàn bộ quy trình tiêm chủng trong chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta được giám sát chặt chẽ và đầy đủ các bước.

Việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 khẩn trương nhưng phải chắc chắn, bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, thông tin đầy đủ cho người dân, chuẩn bị kỹ càng, bảo đảm an toàn cao nhất.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%, ví dụ, theo thông tin của nhà sản xuất thì vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine Astrazeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng vaccine là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với DN chào bán vaccine ngừa COVID-19.

Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông đầy đủ cho người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước; đồng thời đề nghị, khi có vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.

Thứ nhất, trước đây chúng ta tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng cho trẻ em, một đợt chỉ mấy triệu liều mà cũng đã có lúc xảy ra sự cố, bây giờ chúng ta triển khai đến cuối năm nếu có vaccine ngừa COVID-19 sẽ tiêm hàng chục triệu liều. Kể cả vaccine đã ổn định rồi cũng không tránh khỏi những sơ suất và nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì những sơ suất đấy sẽ biến thành sự cố lớn.

Thứ hai, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ