Sức khỏe tâm thần trẻ em hậu Covid: Thêm chút ấm áp trong mỗi giờ học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, mỗi học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cần 4 - 5 thầy cô nâng đỡ tinh thần.

Các em cần được thấu hiểu, sẻ chia, bao dung và tôn trọng đặc biệt giai đoạn sau đại dịch. Ảnh minh họa/INT
Các em cần được thấu hiểu, sẻ chia, bao dung và tôn trọng đặc biệt giai đoạn sau đại dịch. Ảnh minh họa/INT

Các em cần được thấu hiểu, sẻ chia, bao dung và tôn trọng; nhất là hiện nay khi việc dạy – học chuyển sang phương thức trực tuyến, càng cần thêm một chút ấm áp trong mỗi giờ học.

TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội: Mỗi thầy, cô giáo là một nhà giáo dục

TS Ngô Xuân Hiếu. Ảnh: NVCC TS Ngô Xuân Hiếu. Ảnh: NVCC

Ở thời điểm này, học sinh chưa được đến trường là một thiệt thòi. Nhất là với những em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, rất dễ bị tổn thương. Vì thế, trẻ cần được sẻ chia, hỗ trợ và giải toả những tâm lý tiêu cực. Muốn vậy, mỗi thầy, cô giáo phải là nhà giáo dục thực thụ để mang đến những năng lượng lượng tích cực cho học sinh.

Theo đó, giáo viên nên xây dựng: Mỗi giờ lên lớp là những giờ học hạnh phúc để học sinh cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được san sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị. Đó có thể là một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên; lời phê, nhận xét chính xác, chân tình; phong cách giản dị, mực thước với trí tuệ uyên bác của thầy cô… Tất cả đều để lại những ấn tượng, hình ảnh đẹp trong ánh mắt học trò.

Hạnh phúc còn là khi nỗ lực, cố gắng của người học được đền đáp, ghi nhận qua những điểm số chính xác, phần thưởng nho nhỏ động viên; là sự chân thành, hồn nhiên, trong sáng của tình bạn… Những hành động tốt, lời nói hay của thầy cô, bạn bè, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan cho học trò, giúp các em vượt qua những áp lực vô hình.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Giúp trẻ vượt qua nghịch cảnh

GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NVCC GS.TS Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: NVCC

Cứ một trẻ yếu thế hoặc không may mắn sẽ cần 4 - 5 thầy cô giáo thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần. Các em không chỉ cần sự đồng cảm, mà cả sự tương tác thiện ý, tôn trọng, sẻ chia và giúp đỡ tinh tế… Không chỉ giáo viên chủ nhiệm, mà cả giáo viên bộ môn, những người làm công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ giáo dục cũng cần chuẩn bị tâm lý, rèn luyện kỹ năng để dạy học và giáo dục cho học sinh sao cho hiệu quả.

Với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, dù ở độ tuổi nào cũng bị tổn thương. Vì thế, chúng ta nhìn nhận sâu sắc để đồng cảm, yêu thương. Theo đó, cần có cái nhìn của nhà giáo dục để chăm sóc và dạy dỗ các em. Mặt khác, cần thêm cái nhìn của nhà tâm lý để dưỡng dục và nâng đỡ, trao tặng cho trẻ đủ đầy yêu thương, ấm áp thường nhật của tình yêu.

Tôi cho rằng, trong hàng loạt giải pháp nâng đỡ tâm lý trẻ bị tổn thương do dịch bệnh, việc cần làm là giúp các em nâng cao tư duy tích cực từ nghịch cảnh. Sử dụng một số giá trị sống tác động đến nhận thức, nhằm giúp các em tìm được ước mơ và có niềm tin vào tương lai phía trước. Bên cạnh đó, cần có biện pháp kỹ thuật, giúp trẻ cảm nhận được sự thấu hiểu, thư giãn và cải thiện đời sống cảm xúc.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội): Cha mẹ cũng là giáo viên

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

Học trực tuyến đã tước mất cơ hội vận động giải tỏa căng thẳng học sinh như: Các giờ tập thể dục hoặc trò chơi, hoạt động trải nghiệm... Do đó, trong cuộc sống gia đình, cần phải bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như: Tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, giặt đồ, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn...

Cha mẹ cần xác định vai trò của mình là một giáo viên để điều hướng các thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời, để con thành công trong các nhiệm vụ học tập; đồng thời tiếp tục duy trì tâm thế háo hức với việc học. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giúp con về mặt nhận thức và sẵn sàng về mặt xã hội.

Cảm xúc của trẻ rất dễ tổn thương, sự háo hức học tập sẽ bị đè bẹp ngay lập tức với những lời phê bình, lên giọng hoặc không được chú ý khi giơ tay muốn phát biểu. Vì thế, cha mẹ cần sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cảm xúc cho con khi vào học trực tuyến; từ nhận diện đến bình thường hóa cảm xúc; đồng thời hướng dẫn con thực hiện những bài tập thư giãn phù hợp khi đối diện với các cảm xúc tiêu cực.

Cha mẹ cần chủ động học hỏi nâng cấp năng lực công nghệ thông tin của bản thân để sử dụng và giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với con trẻ. Với tình hình dịch hiện nay, ai cũng hiểu, không thể ngồi chờ hết dịch rồi mới học. Học trực tuyến một cách chủ động, bài bản, có chất lượng là câu chuyện mà cả ngành Giáo dục, thầy cô, phụ huynh và học sinh đều cần thích ứng để duy trì việc học tập. Để các con học vui, học khỏe, học ngoan, cần có sự chung tay và đồng hành của cha mẹ với các thầy cô giáo.

Vì vậy, để các con có một năm học thật bổ ích, người lớn chúng ta hãy: Bớt một chút kỳ vọng – Thêm một chút kỳ công/ Bỏ một chút tôn ti – Tăng một chút tôn trọng/ Giảm một chút chỉ trích – Thêm một chút chỉ dẫn/ Bớt một chút ầm ầm – Thêm một chút ấm áp.

Dạy – học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Đôi khi các em cảm thấy áp lực, căng thẳng và cần được giải toả. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất là tạo tâm thế háo hức cho học sinh khi học trực tuyến. Để con có thể học trực tuyến tập trung hơn, cha mẹ cần tạo một không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi con học. Nó có thể là một góc bàn nếu không gian gia đình không lớn nhưng phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập để với lấy dễ dàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.