Sức khỏe học đường: Kích hoạt ý thức tự bảo vệ cho học sinh

GD&TĐ - Một trong giải pháp giảm thiểu nguy cơ trẻ vị thành niên bị xâm hại, mang thai ngoài ý muốn là trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ mình.

Diễu hành tuyên truyền Ngày Quốc tế bao cao su. Ảnh Văn Lự.
Diễu hành tuyên truyền Ngày Quốc tế bao cao su. Ảnh Văn Lự.

Một trong những giải pháp giảm thiểu nguy cơ trẻ vị thành niên bị xâm hại và mang thai ngoài ý muốn là các trường phổ thông trang bị cho học trò những tri thức và kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe và sử dụng biện pháp an toàn trong mối quan hệ tình bạn khá cởi mở hiện nay.

Những điều trông thấy

Câu chuyện “bố, mẹ tuổi teen” vẫn chưa có hồi kết. Dù hàng chục lí do, chúng ta cũng khó chấp nhận. Trong bão mạng xã hội, giao kết bạn khá thoáng cùng tác động tệ hại của clips đen, các em thơ rất khó tự bảo vệ an toàn cho mình.

Từ khi nào chuyện “bác sĩ bảo cưới” thành chuyện vui hai họ? Từ bao giờ, cô cậu học trò tay trong tay giữa sân trường không bị thầy cô nhắc nhở, ngăn cấm? Phải chăng cha mẹ đã bị mất quyền kiểm soát con? Có phải mọi thứ đều thuận tiện, cứ alo là được đã dẫn trò nhí đến những sai lầm nghiêm trọng trong quan hệ với bạn bè và người yêu? Trong nghẹn ngào và xấu hổ, cô học trò của tôi cay đắng “Giá như bọn em được bố mẹ chỉ bảo hoặc cảnh báo, được trang bị hiểu biết về giới tính…”

Học sinh lớp 12 trong sự kiện. Ảnh Văn Lự

Học sinh lớp 12 trong sự kiện. Ảnh Văn Lự

Có chuyện chỉ làng biết, có chuyện thành tù thành tội, đôi bên chia lìa…Chỉ khi gia đình mắc nạn, người thân mới ngậm ngùi thừa nhận điều bình dị của tự nhiên: cái gì đến sẽ đến. Và chỉ khi lời ru buồn cất lên, người ta bừng tỉnh và đồng tình với việc nhà trường và cha mẹ nên trang bị cho con kiến thức về giới tính và các kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe sinh sản và phòng tránh bệnh tật liên quan.

Người viết băn khoăn, sao lâu nay người Việt ta vẫn duy lí trí để nghĩ và làm trái quy luật của tạo hóa mà biểu quyết từ chối phổ cập giáo dục giới tính cho học trò? Người viết thấy buồn thay một số thầy cô né tránh hoặc đá sang môn khác câu chuyện về giới, về tình yêu và an toàn trong quan hệ nam nữ của học trò trung học! Sự ngụy biện và phản đối giáo dục giới tính trong trường học là “vẽ đường hươu chạy” đến lúc cần phải chấm dứt.

Kích hoạt ý thức tự bảo vệ cho học sinh

Bác sĩ khám và tư vấn, xét nghiệm miễn phí cho học sinh. Ảnh Văn Lự

Bác sĩ khám và tư vấn, xét nghiệm miễn phí cho học sinh. Ảnh Văn Lự

Hãy trang bị tri thức giới tính và kỹ năng giao tiếp trong tình bạn, tình yêu càng sớm càng tốt. Khi học sinh hiểu đúng sẽ ứng xử phù hợp nhất để tự bảo vệ bản thân an toàn. Đó vừa là nhu cầu của học trò và gia đình, vừa là trách nhiệm của các nhà trường phổ thông hiện nay. Muôn loài sinh tồn là nhờ cơ chế tự bảo vệ. Làm thế nào để học sinh tự tin, tự bảo vệ trước nhu cầu bạn bè và cám dỗ của học trò tuổi teen là thách thức và cũng là trách nhiệm của mỗi thầy cô và cha mẹ.

Hoạt động ngoại khóa nhân Ngày Quốc tế bao cao su (13/2) của trường THPT Vĩnh Yên, (Vĩnh Phúc) sẽ trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng ứng xử trước thay đổi tâm sinh lý để tránh bị lạm dụng tình dục, hiểu biết tác dụng của bao cao su sẽ góp phần giảm nhiều nguy cơ bệnh tật và có thai ngoài ý muốn, từ đó xây dựng môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh.

Các nhà giáo trẻ được tham vấn đều rất tán thành sự kiện ngoại khóa về bao cao su và cho rằng đã đến lúc mỗi chúng ta và nhà trường đẩy mạnh giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng bệnh lây qua đường quan hệ tình dục và phòng tránh thai cho học sinh. Những sự việc đáng tiếc của các “bố, mẹ tuổi teen” sẽ giảm nếu việc truyền thông về sức khỏe sinh sản được tăng cường và hiệu quả.

Hãy cho tôi an toàn. Ảnh Văn Lự

Hãy cho tôi an toàn. Ảnh Văn Lự

Nhiều học sinh khi được hỏi đều chung cảm nhận: Tham dự sự kiện nhân ngày Quốc tế bao cao su, chúng em thật sự thấy bổ ích với nhiều thông tin về giới tính, bệnh tật, ích lợi của bao cao su và có thêm nhiều tri thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và bạn mình. Tương lai của chúng em đều tùy thuộc vào chúng em có giữ gìn an toàn và khỏe mạnh trước thực tế quan hệ khá cởi mở của giới trẻ trong nhà trường hiện nay. Đó là những thông tin vô cùng quý giá và cần thiết cho chúng em.

Một giải pháp ngoại khóa truyền thông kết hợp giáo dục giới tính theo quy mô phù hợp thực tế mỗi nhà trường là việc nên làm. Trường THPT Vĩnh Yên, phối hợp với Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ AHF (AIDS Healthcare Foundation) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh CDC Vĩnh Phúc ngoại khóa trình diễn văn nghệ, thời trang của nhóm LGBT VENUS Hà Nội, kết hợp truyền thông về bao cao su, sức khỏe sinh sản…

Sự kiện là một thông điệp để học trò lựa chọn cách tự bảo vệ mình và bạn, tự đảm bảo an toàn cho hành trình thực hiện ước mơ và hạnh phúc. Đó là một nỗ lực của nhà trường giúp học sinh nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và trách nhiệm với cộng đồng trong việc giữ gìn sức khỏe sinh sản và phòng tránh bệnh tật, trong đó có HIV/ADIS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.