Việc cải thiện tầm vóc, thể lực người Việt Nam luôn là một trong những mục tiêu chiến lược được Nhà nước đặt ra trong những năm qua. Nhờ đó, sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm liên tục, bền vững.
Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao (ở mức 23,8%) ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành.
Do đó, việc chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ có vai trò đặc biệt quan trọng cho quá trình phát triển sau này. Cải thiện tầm vóc cơ thể qua: Tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ; ăn nhiều rau xanh, giảm muối, đường; chọn lựa dinh dưỡng kết hợp rèn luyện thể dục thể thao trong trường học và ngoài cộng đồng... là những giải pháp căn cơ giảm thiểu tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, đẩy mạnh nâng cao tầm vóc cho người Việt.
Vậy, làm cách nào để xác định trẻ rơi vào tình trạng thấp bé nhẹ cân, chậm lớn? Nguyên nhân nào dẫn đến việc này? Chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhẹ cân, chậm lớn ra sao? Những vi chất dinh dưỡng nào tác động trực tiếp đến sự phát triển chiều cao của trẻ?…
Những mối lo của các bậc cha mẹ sẽ được PGS-TS.BS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai; BS Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến do Cục Y tế Dự phòng và Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức vào hồi 9h – 11h ngày 16/12/2019.
Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe 1.000 ngày đầu đời, nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt”. |