Dấu hiệu mắc bệnh cúm
Bệnh cúm mùa lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.
Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.
Bệnh cúm có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính thì bệnh diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu bệnh cúm. |
Mới đây, tại Phú Yên xuất hiện trường hợp bệnh nhi 27 tháng tuổi tử vong do mắc cúm A/H1N1. Được biết, cháu bé có triệu chứng sốt, ho từ 29/11. Người nhà tự mua thuốc cho cháu uống nhưng không rõ thuốc gì.
Hôm sau, khi thấy trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình đưa cháu đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên và được chẩn đoán viêm phổi nặng.
Đến 4/12, tình trạng của bệnh nhi nặng hơn, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định và cũng được chẩn đoán bị viêm phổi nặng. Sau đó, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang xác định bệnh nhi. dương tính với cúm A/H1N1.
Đến 9/12, bệnh nhân bị tiên lượng xấu, người nhà xin đưa về và cháu N. đã tử vong trên đường.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Nhóm bệnh nhân mắc cúm có diễn biến thất thường nhất, đáng lo ngại nhất là nhóm những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh về phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…
Đặc biệt là nhóm bệnh nhân có vấn đề sẵn ở đường hô hấp, khi mắc cảm cúm, các triệu chứng của bệnh mãn tính càng được thể bùng phát và diễn biến nặng nề hơn, thậm chí là tử vong. Do đó, đừng bao giờ nghĩ chỉ một cơn cảm cúm xoàng thì chẳng có nghĩa lý gì với sức khỏe con người.
Điều vô cùng đáng lo ngại hiện nay chính là người dân luôn có suy nghĩ nhầm lẫn giữa cảm cúm với cảm lạnh thông thường. Để phân biệt, bác sĩ Dũng cũng lưu ý, các triệu chứng của bệnh cảm cúm nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, trong thời điểm dịch bệnh cúm diễn biến bất thường cần thực hiện phòng tránh bệnh cúm:
- Tiêm phòng cúm vì nó có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm virus từ 10-60%.
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
- Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.