Sức hút từ chương trình học song ngành

GD&TĐ - Trước xu thế hội nhập và nhu cầu nhân lực ngày càng đòi hỏi cao của thị trường lao động, nhiều sinh viên đã chọn học song ngành như một “điểm tựa”.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong giờ học trên thư viện.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong giờ học trên thư viện.

Xu hướng mở song ngành, liên ngành

Tại TPHCM, ĐHQG TPHCM là đơn vị tiên phong trong việc triển khai các chương trình đào tạo theo hướng song ngành khi cho phép sinh viên có thể học song song hai ngành tại 2 trường trong cùng hệ thống.

Theo đó, ngành thứ nhất là chương trình mà sinh viên trúng tuyển, nhập học. Nếu sinh viên có nhu cầu, đảm bảo các điều kiện và được cơ sở đào tạo xét tuyển theo quy định sẽ được đăng ký học thêm ngành thứ hai tại các trường trong hệ thống của ĐHQG TPHCM, để được nhận 2 bằng ĐH sau khi tốt nghiệp.

Trường ĐH Quốc tế có số lượng chương trình song ngành nhiều nhất với 21 ngành. Kế đến là Trường ĐH Kinh tế - Luật có 19 chương trình song ngành nội bộ và 3 chương trình song ngành với các trường trong khối.

Theo ThS Trần Tân Anh Phương, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), xu hướng theo học song ngành của sinh viên ngày một lớn. Tính đến ngày 21/4/2023, toàn trường có 392 sinh viên theo học song ngành nội bộ, chiếm 4% sinh viên toàn trường, trong đó có 42 sinh viên đã tốt nghiệp. Bên cạnh đó, trường hiện có 27 sinh viên đến từ các trường thành viên ĐHQG TPHCM theo học song ngành.

“Về nhu cầu, tôi cho rằng việc học song ngành còn tăng trưởng. Nếu sinh viên thu xếp được thời gian, sức khỏe, tài chính… thì đây là cơ hội rất đáng để tận dụng. Theo thống kê năm 2022, nhà trường có 53 sinh viên đang theo học chương trình song ngành”, ThS Nam cho biết.

ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) nhìn nhận: Trong bối cảnh doanh nghiệp đang hướng tới việc tối ưu hóa nguồn nhân lực thì một trong những đặc điểm trong yêu cầu tuyển dụng hiện nay là khả năng làm việc đa nhiệm. Sinh viên theo học song ngành không chỉ gia tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, mà quan trọng hơn là có thể đa dạng hóa khối lượng kiến thức trong giai đoạn học đại học.

Việc đào tạo song ngành, liên ngành không chỉ bó hẹp trong phạm vi ĐHQG TPHCM nói chung, mà hiện nay nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, nhiều trường công lập lẫn tư thục đã mở chương trình song ngành, liên ngành theo hướng nội bộ.

Theo ghi nhận, Trường ĐH Kinh tế TPHCM hiện có 5 chương trình song ngành, liên ngành. Tại cơ sở chính là: Kinh doanh nông nghiệp – Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Bảo hiểm – Tài chính, Quản lý công – Luật và 2 ở phân hiệu Vĩnh Long (Kinh doanh nông nghiệp – Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh nông nghiệp – Kinh doanh quốc tế).

Trường ĐH Ngân hàng TPHCM hiện có 3 chương trình đào tạo chính quy quốc tế song bằng. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) có tới 29 chương trình song ngành nội bộ, Trường ĐH Hoa Sen có 11 chương trình, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có 15 ngành đào tạo song ngành.

Tuy nhiên, theo ThS Trần Tân Anh Phương, ưu điểm của chương trình song ngành là rất lớn, nhưng áp lực học tập cũng không phải là nhỏ, nếu sinh viên không biết sắp xếp quỹ thời gian và nghiêm túc.

“Theo ghi nhận, một số ít sinh viên bỏ học giữa chừng do các em ra trường ngành 1 rồi nhưng không sắp xếp được thời gian giữa đi làm và đi học để tiếp tục các học phần còn lại của ngành 2 nên bỏ. Ngoài ra, khó khăn của nhóm sinh viên song ngành ĐHQG TPHCM là khác biệt địa điểm học, lịch học của các trường không tương đồng”, ThS Phương nói.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Sinh viên cần thận trọng

Trên thực tế, việc học hai ngành cùng một lúc chưa bao giờ dễ dàng. Để quyết định lựa chọn học song ngành, sinh viên phải luyện cho mình tính kỷ luật và tự giác cao. Theo ThS Trần Tân Anh Phương, để học tốt song ngành, sinh viên nên bắt đầu học từ đầu năm thứ 2 của ngành 1; đối chiếu chương trình đào tạo và thời khóa biểu của 2 ngành thật kỹ để lựa chọn thời khóa biểu hợp lý nhất.

Đặc biệt đối với các học phần là điều kiện tiên quyết thì phải ưu tiên học đúng lộ trình mà thời khóa biểu đã lên, tránh việc để lỡ sẽ khó tham gia và mất đi kế hoạch các học phần liên quan kế tiếp. Với học phần không dính đến điều kiện tiên quyết, sinh viên có thể đăng ký ở bất kỳ lớp học nào. Tuy nhiên, nếu không có sự kỷ luật với bản thân trong suốt quá trình học, việc “rơi rụng” 1 ngành là khó tránh khỏi.

Vũ Trường Huy (sinh viên khoa Ngữ văn Pháp, song ngành Quan hệ quốc tế, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: Em đã trượt ở cả 4 phương thức tuyển sinh của ngành Quan hệ quốc tế. Vì thế, khi có cơ hội học song ngành em đăng ký ngay. Việc học song ngành đã mang đến một tấm vé khác cho bản thân em. Hiện tại, em vẫn học hai ngành, với kiến thức bổ trợ nhau. Dù lịch học và thời gian biểu khá áp lực nhưng em vẫn kiên định theo đuổi định hướng tương lai và công việc mà mình yêu thích.

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM đánh giá các chương trình song bằng có nhiều ưu điểm ngoài việc học xong có 2 bằng đại học. Kiến thức môn học tự chọn tại chương trình song ngành, liên ngành có tính giao thoa rất cao, qua đó giúp sinh viên có thể vận dụng trong quá trình học tập.

“Để mở được song ngành, chúng tôi phải tính toán sao cho tối ưu hóa giúp sinh viên tiết kiệm về thời gian, kinh tế, cũng như mở rộng cơ hội việc làm. Tất nhiên việc theo đuổi học song ngành là sự cố gắng rất lớn của mỗi sinh viên. Các em phải tính toán đến tài chính, thời gian và năng lực học tập. Tôi chỉ có lời khuyên là các em cần kiên định và khoa học trong kế hoạch học tập khi quyết định theo học song ngành”, TS Vũ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.