Đào tạo song ngành

GD&TĐ - Mới đây nhất, chia sẻ với truyền thông, PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng ban Đại học ĐHQG TPHCM - cho biết, sinh viên các trường của ĐHQG TPHCM đã có thể học hai ngành một lúc trong cùng một trường đang quyết liệt để thực hiện mô hình này. Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, khóa IV, Hội đồng ĐHQG TPHCM đã tán thành và thông qua chương trình đào tạo song ngành.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt giáo dục đại học trước nhiều thách thức. Các yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng của một số ngành nghề sẽ thay đổi. Ranh giới giữa các ngành dần dần được thu hẹp. Chương trình đào tạo đại học sẽ không còn đơn ngành. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 ước tính rằng: “Với thế hệ học sinh bắt đầu vào tiểu học hôm nay, 65% khi đi làm sẽ làm những việc cho đến nay còn chưa hiện hữu”.

Để giúp sinh viên tích lũy thêm kiến thức của nhiều chuyên ngành, vượt trội trong thị trường lao động, thời gian qua các cơ sở đào tạo đã chú ý điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo cho phù hợp, xây dựng các ngành đào tạo mới có tính liên ngành/xuyên khối ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội 4.0. Trong bối cảnh đó, việc triển khai chương trình đào tạo song ngành được coi là một xu thế phù hợp với yêu cầu mới về nhân lực lao động.

Đến nay, số trường tổ chức đào tạo song ngành ở Việt Nam đang có xu hướng tăng, không chỉ ở khối công lập mà cả tư thục. Sau các trường thuộc ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐHQG TPHCM… từ năm học 2019 - 2020, tân sinh viên Trường ĐH Hoa Sen có thể đăng ký chương trình song ngành từ học kỳ 2 với 5 lựa chọn, chi phí thấp hơn nhiều so với học văn bằng 2.

Để tạo điều kiện cho sinh viên theo học, một số trường đào tạo song ngành đã xây dựng chương trình đào tạo theo cấu trúc mô-đun gồm 5 khối kiến thức (kiến thức chung, theo lĩnh vực, theo khối ngành, theo nhóm ngành, theo ngành), tăng cường tính liên thông nội dung giữa các ngành. Theo đó, các ngành trong cùng khối ngành có tỷ lệ kiến thức chung vào khoảng 50%, các ngành cùng nhóm ngành có tỷ lệ kiến thức thức chung chiếm gần 70%. Vì thế, số lượng học phần/tín chỉ phải tích lũy cho bằng thứ hai chỉ còn 30 - 50%; vừa đảm bảo chất lượng chương trình, lại tiết kiệm cho sinh viên sức lực, thời gian, kinh phí…

Việc tổ chức đào tạo song ngành tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Cả kiến thức và kỹ năng đều tốt hơn so với học ngành đơn. Với lợi thế lớn cho người học, đào tạo song ngành chắc chắn sẽ là một xu thế tất yếu đối với giáo dục ĐH tại Việt Nam. Tuy vậy, hình thức đào tạo này không phải không có những rủi ro nếu không được triển khai tốt.

Đào tạo song ngành đòi hỏi các trường phải có năng lực tổ chức học tập, quản trị thời gian, phương pháp dạy học... phù hợp. Đặc biệt, để có thể theo kịp được khối lượng kiến thức gần gấp đôi, sinh viên phải dồn tâm lực, thể lực, thời gian, kinh phí rất lớn. Trong quá trình chuẩn bị của nhà trường về tổ chức, khâu tư vấn, hỗ trợ người học là rất cần thiết để đảm bảo chương trình đạt mục tiêu, tránh tình trạng sinh viên bỏ cuộc giữa chừng, lãng phí thời gian, tiền bạc, sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.