Ngưỡng điểm xét tuyển thể hiện trách nhiệm với xã hội

GD&TĐ - Tính đến 17 giờ ngày 18/7, có 268 mã tuyển sinh trình độ đại học đã công bố điểm sàn với 557 lượt ngành; 37 mã ngành tuyển sinh cao đẳng sư phạm (không tính trình độ cao đẳng sư phạm trong trường đại học) và 28 mã tuyển sinh trung cấp sư phạm. 

Các ngành Y, Dược và Khoa học công nghệ vẫn giữ ở mức điểm sàn cao so với các ngành khác
Các ngành Y, Dược và Khoa học công nghệ vẫn giữ ở mức điểm sàn cao so với các ngành khác

Trong đó các trường lấy từ 15 điểm trở lên chiếm phần lớn. Một số trường công bố điểm sàn thấp (dưới 13 điểm) trước ngày 18/7, nay đã điều chỉnh từ mức 13 điểm trở lên.

Gắn với thương hiệu trường

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đảm bảo chất lượng đầu vào, năm nay nhà trường vẫn giữ ngưỡng xét tuyển là 18 điểm. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định cũng giữ chuẩn đầu vào ở ngưỡng 21,5 điểm với ngành chất lượng cao và 20 điểm với ngành đào tạo chính quy. Ngoài ra, có 62 trường thuộc lĩnh vực Y khoa, Y học cổ truyền, Răng – Hàm – Mặt; Y học dự phòng và Dược học có mức điểm sàn từ 18 - 21 điểm.

Đặc biệt, năm nay, “điểm sàn” dành cho nhóm ngành đào tạo giáo viên được dư luận quan tâm và được xã hội ghi nhận là phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu vào. Cụ thể, Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 đã họp, thảo luận phương án xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo đó, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào đại học sư phạm đối với thí sinh thi THPT quốc gia là: 17,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.

Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào CĐSP, đối với thí sinh thi THPT quốc gia: 15,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi. Mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của các tổ hợp xét tuyển vào trung cấp sư phạm, đối với thí sinh thi THPT quốc gia: 13,0 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.

Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay việc bỏ điểm sàn đầu vào chung là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ đại học. Với mức điểm sàn của các trường như hiện nay sẽ đảm bảo được nguồn tuyển và thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Các trường đưa ra điểm sàn thấp chưa hẳn đã tốt cho sinh viên muốn theo học
 Các trường đưa ra điểm sàn thấp chưa hẳn đã tốt cho sinh viên muốn theo học

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - nhấn mạnh: Việc các trường có điểm sàn là cần thiết. Đây không chỉ là điều kiện xét tuyển của các trường mà còn thể hiện trách nhiệm của mình trước xã hội.

PGS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, điểm sàn gắn liền với thương hiệu của trường, do đó các trường cần cân nhắc khi quyết định điểm sàn để giữ bảo vệ thương hiệu. Thiết nghĩ, nếu một trường nào đó công bố mức điểm sàn ở mức dưới 12 điểm thì liệu có đủ uy tín để thí sinh đăng ký xét tuyển và theo học? Thay vì mục đích muốn thu hút thí sinh thì các trường đã tự hạ thấp uy tín của trường mình.

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - thẳng thắn nêu quan điểm: Nếu các trường mà hạ thấp điểm sàn dưới mức bình thường để tuyển sinh thì đồng nghĩa với chất lượng đầu vào sẽ kém. Trong trường hợp các trường cố tình “vơ bèo vạt tép” thì xã hội sẽ đánh giá trường đó không cao, thậm chí chính các trường sẽ tự “giết” chính mình.

Xét tuyển bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1

Không đồng tình với các trường công bố điểm sàn dưới mức 13 điểm, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Giáo dục (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) - cho rằng, đây là hình thức “vơ bèo vạt tép”, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và uy tín của các trường. Đặc biệt với những trường hạ thấp đến mức dưới 12 điểm thì càng không thể chấp nhận được.

PGS Bùi Đức Triệu cũng đặc biệt lưu ý: Theo Quy chế tuyển sinh đại học, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Vì thế các trường không nên “ăn xổi” mà ảnh hưởng đến con đường phát triển của nhà trường. Đây không chỉ là vấn đề công bằng giữa các thí sinh mà còn là thể diện của các trường.

Tại Trường Đại học Tiền Giang, PGS.TS Võ Ngọc Hà khẳng định: “Điểm sàn” của nhà trường trong đợt 1 là 14 điểm. Nhưng trong các đợt xét tuyển tiếp theo chắc chắn sẽ không có chuyện “điểm sàn” thấp hơn đợt 1. Tùy từng ngành nhà trường sẽ có điều chỉnh ngưỡng đầu vào trong các đợt xét tuyển bổ sung (nếu không tuyển đủ chỉ tiêu). PGS.TS Võ Ngọc Hà - khẳng định: Giả sử không tuyển đủ chỉ tiêu nhưng nhà trường quyết tâm sẽ không hạ điểm sàn xuống thấp để tuyển sinh bằng mọi giá.

Điểm sàn” dành cho nhóm ngành đào tạo giáo viên đã được các trường sư phạm thống nhất cao. Quan điểm của các trường sư phạm là, không phải tuyển bằng hết chỉ tiêu, điều quan trọng là chất lượng và đào tạo ra đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là tới đây chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới được triển khai, áp dụng vào thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ