Sức hút ngành sư phạm: Trường sư phạm không thể đứng yên

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, các cơ sở đào tạo giáo viên (gọi chung là các trường sư phạm) có thể đào tạo theo đặt hàng hoặc đấu thầu.

Cô – trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) tại thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Cô – trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) tại thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, đòi hỏi các bên phải chủ động. Phía trường sư phạm cần đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá để sinh viên ra trường có thể bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chủ động đổi mới

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, nhà trường đã thực hiện rà soát các học phần nhằm điều chỉnh, cập nhật những vấn đề mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào từng đề cương chi tiết của các học phần, đặc biệt là về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Chương trình thực hành nghề nghiệp thường xuyên của trường đã đổi mới giúp cả giảng viên, sinh viên cập nhật quá trình đổi mới tại các trường phổ thông.

“Với phương châm lấy định hướng nghề nghiệp ứng dụng để tổ chức đào tạo, nhằm phát triển năng lực của sinh viên, nhà trường tiến hành đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá thông qua việc chú trọng đánh giá quá trình, năng lực thực hiện, phối hợp với các trường phổ thông; đánh giá năng lực thực hành nghề nghiệp của sinh viên”, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi.

Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.  Ngoài ra, trường đã xây dựng một số chương trình đào tạo mới, nhằm cung cấp cho các địa phương đội ngũ giáo viên đáp ứng giảng dạy những môn học mới ở trường phổ thông như ngành Sư phạm Công nghệ. Trong thời gian tới, nhà trường dự kiến mở thêm các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý.

Với những sinh viên tốt nghiệp năm 2021, nhà trường tổ chức bồi dưỡng 3 mô-đun thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm: Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/ THCS/ THPT; Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/ THCS/ THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

“Việc chủ động bồi dưỡng cho sinh viên năm cuối sẽ giúp các em dễ dàng hòa nhập với đổi mới giáo dục. Đồng thời, bảo đảm sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dạy được ngay chương trình mới mà không cần bồi dưỡng lại” - TS Cao Bá Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho hay.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) hiện có 27 chương trình đang triển khai đào tạo. PGS.TS Trương Minh Đức – Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) – cho biết: Nhà trường chủ động xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau nhiều lần rà soát, cập nhật, nhà trường đã điều chỉnh Chuẩn đầu ra.

Cùng với đó, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo các ngành sư phạm mới như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Công nghệ... Các ngành này được tuyển sinh năm 2019. 

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành thí nghiệm – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong giờ thực hành thí nghiệm – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Áp dụng cơ chế “cộng sinh”

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi: Trước đây, chúng ta có chính sách miễn học phí. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã có dự báo khá cơ bản về nhu cầu giáo viên và có hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, một trong những việc quan trọng là cần sự phối hợp của UBND các tỉnh. Địa phương cần công khai nhu cầu tuyển dụng, thiếu thông tin này người học sẽ băn khoăn. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP là chính sách kịp thời và tiến bộ, nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của nhà giáo. Điều kiện đủ phải bắt đầu từ UBND các tỉnh và Bộ Nội vụ.

Khẳng định, chủ trương của Bộ GD&ĐT về đào tạo giáo viên, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương là phù hợp với thực tiễn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – bày tỏ: Cơ chế này sẽ giải quyết được bất cập đang tồn tại như giáo viên ra trường không xin được việc làm hoặc phải làm trái nghề.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Có thể áp dụng cơ chế “cộng sinh” và được cụ thể hoá bằng phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên. Tức là, phía địa phương sẽ chủ động “đặt hàng” với trường sư phạm về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên. Muốn vậy, cần sự chủ động từ hai phía; trong đó, các cơ sở đào tạo giáo viên, cần bảo đảm về chất lượng đầu ra, để sau khi tốt nghiệp sinh viên đáp ứng yêu cầu của địa phương và nhà trường về dạy học.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, các trường sư phạm nói chung nhận đặt hàng (hoặc tham gia đấu thầu) đào tạo giáo viên cho các địa phương theo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm được Bộ GD&ĐT thông báo. Đối với cơ sở đào tạo giáo viên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương cần ưu tiên đặt hàng đào tạo từ những cơ sở này. Ngoài việc nhận nhiệm vụ đào tạo giáo viên trên cơ sở phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh và nhu cầu sử dụng của địa phương, các trường cũng có thể nhận đặt hàng từ địa phương khác.

Theo Bộ GD&ĐT, hằng năm, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp theo từng trình độ, cấp học, ngành học. Từ đó xác định số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên cho năm tuyển sinh, bao gồm cả nhu cầu đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên trình độ đại học.
Đồng thời, tổ chức đấu thầu đào tạo giáo viên của địa phương với các trường sư phạm theo số lượng chỉ tiêu đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương, bảo đảm phù hợp năng lực đào tạo của từng trường và phù hợp với nhu cầu, kế hoạch sử dụng của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ