Sức hút ngành sư phạm nhìn từ điểm chuẩn

GD&TĐ - Vài năm gần đây, điểm chuẩn vào ngành sư phạm không hề thấp và số thí sinh đăng ký xét tuyển cũng tăng cao.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Năm 2021, điểm trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các ngành sư phạm đều tăng, có ngành tăng đến 7 - 8 điểm so với năm trước. Qua đó cho thấy, sức hút ngành sư phạm ngày càng cao.

Giá trị thực của ngành sư phạm

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, một trong những ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên, với 64 mã ngành. Đơn cử: Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), với điểm chuẩn lên tới 30,5. Bên cạnh đó, ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao của trường lấy điểm chuẩn 29,75. Các ngành đào tạo sư phạm thuộc chương trình chuẩn, điểm trúng tuyển từ 18 - 27,75.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2), cho biết: “Điểm trúng tuyển vào trường tăng ở hầu hết ngành sư phạm. Điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Toán là 30,5/40 điểm, tăng 5,5 điểm so với năm trước; Sư phạm Tiếng Anh là 32/40 điểm, tăng 7 điểm so với năm 2020”.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sức hút của ngành sư phạm ngày càng có xu hướng tăng cao. Bằng chứng là số lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm gia tăng và điểm chuẩn vào sư phạm không hề thấp. Năm 2020, nhiều khoa trong Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn cao như: Sư phạm Toán (A0: 25,75 điểm), Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh (28 điểm), Sư phạm Ngữ văn (C00: 26,5 điểm) hay Giáo dục Tiểu học: 25,05 điểm…

Lê Thị Trâm Anh (thứ 3 từ phải sang trái) cùng nhóm bạn thảo luận bài. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19: NVCC
Lê Thị Trâm Anh (thứ 3 từ phải sang trái) cùng nhóm bạn thảo luận bài. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19: NVCC

Năm nay, điểm chuẩn vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cao không kém các ngành, trường đang “hot”. Cụ thể, điểm trúng tuyển ngành Sư phạm Tiếng Anh lên đến 28,53; thí sinh muốn vào các ngành Sư phạm Toán (dạy bằng tiếng Anh) và Giáo dục Chính trị phải có điểm chuẩn lên đến 28,25.

“Điểm sàn sư phạm mà Bộ GD&ĐT công bố năm nay (19 điểm) đã tiệm cận với điểm sàn vào ngành Sức khỏe - Y Dược (từ 19 - 23) dù điểm chuẩn Y Dược có cao hơn”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhắc lại.

Bày tỏ phấn khích khi điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao, Lê Thị Trâm Anh – sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - chia sẻ: Điểm trúng tuyển tăng lên, thể hiện sức hút ngành sư phạm càng ngày càng “hot” và được giới trẻ quan tâm. Điểm chuẩn sư phạm cao góp phần khẳng định ưu thế và vị thế của ngành Giáo dục trong xã hội. Hơn nữa, cũng đến lúc phải trả lại giá trị thực cho ngành sư phạm – cỗ “máy cái” để đào tạo đội ngũ giáo viên của nước nhà.

Ảnh hưởng xu hướng lựa chọn ngành nghề

Cũng theo nữ sinh Khoa Giáo dục Mầm non, điểm chuẩn sư phạm cao cho thấy, chất lượng đầu vào đã có bước tiến rõ rệt, giúp ngành Giáo dục tuyển chọn đội ngũ giáo viên có năng lực cao. Trường sư phạm - nơi tri thức trở thành giá trị - sẽ đào tạo ra những giáo viên có chất lượng chuyên môn, với nghiệp vụ sư phạm vững vàng nhằm truyền tải kiến thức, kĩ năng tới học sinh một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

“Em thấy tự hào về ngành mà mình đã theo đuổi, càng tự hào hơn khi nhiều thế hệ đàn em lựa chọn là giáo viên – nghề cao quý trong các nghề cao quý. Thế mới thấy, sức hút của ngành sư phạm chưa bao giờ “nguội” và nó vẫn luôn hiện hữu. Em sẽ luôn cố gắng, phấn đấu hết mình, hoàn thành sứ mệnh chinh phục tri thức, kĩ năng để thực hiện được ước mơ ươm mầm xanh”, Trâm Anh tự nhủ.

Sinh viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Sinh viên Khoa Sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp trong giờ thực hành. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19. 

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ khẳng định, những năm trước, điểm chuẩn của một số ngành đào tạo giáo viên khá cao do nhu cầu lớn, nhất là với giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên tiếng Anh. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên nên cũng tạo ra sức hút cho ngành sư phạm.

“Thực tế, giáo viên là nghề đặc thù. Sản phẩm lao động của giáo viên là phẩm chất, năng lực của con người. Vì thế, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi mặt trái của kinh tế thị trường nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo, vị thế của nhà giáo vẫn được khẳng định trong xã hội. Bên cạnh đó, sự ra đời của hàng loạt trường quốc tế, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp và mức lương cao, đã góp phần tăng thêm sức hút với nghề giáo” - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nhìn nhận.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh - bày tỏ: Điểm chuẩn tăng cho thấy, ngành sư phạm có sức hút riêng và luôn có vị trí nhất định trong xã hội. Mặt khác, sức hút không chỉ ở một tác động, mà còn bởi nhu cầu thực tế việc làm, tuyển dụng giáo viên; khả năng đầu tư để học và tốt nghiệp, chất lượng đào tạo (hiện nhiều ngành sư phạm đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế)…

Nhìn nhận ở góc độ sử dụng lao động, cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) - bộc bạch: Điểm chuẩn tăng là tín hiệu tốt và đáng hoan nghênh. Điểm trúng tuyển cao, đồng nghĩa với chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm ngày càng tốt hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đã và đang triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, những chính sách của Bộ GD&ĐT, Nhà nước như: Khảo sát nhu cầu giáo viên ở các địa phương để dự báo. Từ đó, giao chỉ tiêu sát với nhu cầu làm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, chính sách miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên sư phạm cũng thể hiện sự chăm lo, đầu tư lâu dài cho đội ngũ nhà giáo của Đảng và Nhà nước ta. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.