Đó là những phập phồng yêu và tha thiết sống của nữ thi sĩ tài danh, dưới góc nhìn của thế hệ trẻ hôm nay.
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu…
“Sóng” không có gì bất ngờ khi được mở ra bằng không gian âm nhạc chảy tràn trên những ca từ chuyên chở khát vọng tình yêu – nỗi nhớ mà nhà thơ Xuân Quỳnh đã gửi gắm trong thi phẩm nổi tiếng “Thuyền và biển” cùng bản phổ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Đó cũng là gợi mở về những phập phồng yêu, tha thiết sống của nữ thi sĩ được trải dài trong suốt vở nhạc kịch này.
Gục ngã hay đứng dậy?
Phập phồng yêu đầu tiên là khi Xuân Quỳnh mới ở độ tuổi đôi mươi đã bước vào mối tình lãng mạn, trong trẻo đầy đắm say của cô diễn viên múa tài năng, xinh đẹp với chàng nhạc công violin Trọng Khoa (nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu ông Lưu Tuấn - người chồng đầu tiên của Xuân Quỳnh).
Ở cái tuổi phơi phới xuân ấy, phập phồng yêu là nhịp đập rộn ràng, say mê của trái tim lãng mạn, trong trẻo để rồi thăng hoa trong nghệ thuật và kết quả cho tình lứa đôi: Một đám cưới ngập tràn tiếng cười hạnh phúc, một mái nhà ăm ắp lời hát ru trầm ấm của cha, ngọt ngào, dịu hiền của mẹ…
Nhưng rồi, bởi cơm áo gạo tiền, bởi khát vọng sống và cống hiến của đôi vợ chồng trẻ ấy không thể cùng bắt nhịp nên sắc màu phập phồng yêu cũng đổi thay: Không còn những rộn ràng, say mê với tiếng đàn, điệu múa, câu thơ, mà chỉ còn những khoảng trống vô hình mênh mông.
Những ước mơ bay bổng năm xưa: Khi sinh con, nếu là con gái sẽ xinh đẹp và học múa giống mẹ Quỳnh, nếu là con trai sẽ chơi violin tài hoa như bố Khoa, không còn được vun đắp… Theo từng ngày, những phập phồng yêu cứ thế rạn vỡ, ngắt nhịp cho đến một ngày đành tắt lịm trong khổ đau, chia ly.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên mối tình của Xuân Quỳnh với nghệ sĩ violin Lưu Tuấn được tiết lộ trên sân khấu nên đã mang đến cho khán giả không ít tò mò, háo hức. Cũng vì, gần như, trong suốt mấy mươi năm qua, ngay cả khi thi sĩ đã đi xa, khi nói về Xuân Quỳnh là nói về mối tình của bà với nhà viết kịch, nhà thơ tài danh Lưu Quang Vũ.
Còn chuyện tình yêu tuổi đôi mươi của Xuân Quỳnh gần như không được nhắc đến, hoặc có chăng chỉ là đôi câu chuyện thoảng qua đâu đó. Vậy mà ở “Sóng”, chuyện tình này được kể khá tường tận, chiếm đến hơn nửa thời gian của vở nhạc kịch: Từ lúc họ bén duyên như thế nào để cùng say đắm dựng xây ước mơ ra sao. Đó là mối tình thật đáng trân trọng, ngưỡng mộ nhưng cũng không ít nuối tiếc trước trái tim nghệ sĩ nhạy cảm, mong manh, dễ bị tổn thương.
Chẳng phải chàng nghệ sĩ violin Trọng Khoa yêu vợ, thương con hết mình nhưng lại chỉ biết say mê với tiếng đàn, với đôi mắt trong veo năm xưa của người vợ trẻ mà đành bế tắc, không thể cân bằng, thậm chí là bất lực trước những đòi hỏi cơm áo gạo tiền của cuộc sống thường nhật?.
Rõ ràng người mẹ Xuân Quỳnh dẫu mộng mơ trong những vũ điệu và giấc mộng văn chương là vậy nhưng không thể ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ mặc chuyện nhà không còn gạo, tiếng khóc ốm đau của con thơ?
Trong không gian sân khấu mênh mông ấy mở ra hai cảnh đối lập. Mới phút trước còn là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ viên mãn trong niềm hạnh phúc đầu đời được nâng niu quả ngọt thì phút sau đã là những u buồn, lạnh lẽo của sự “đồng sàng dị mộng”, của tiếng con thơ nức nở, của tranh cãi triền miên về lý tưởng sống sao mà chua chát, xót xa, khổ đau…
Rồi một phiên tòa lặng câm. Chia lìa. Ngã rẽ: Gục ngã hay đứng dậy? Chấp nhận hay dám phá vỡ định kiến để đến với tiếng gọi của tình yêu? Nhạt nhòa hay dám dấn thân để tỏa sáng, để vươn tới ước mơ nghệ thuật?… Cứ thế sóng nhạc, sóng thơ, sóng ngôn từ hay cũng chính là những sóng lòng thiết tha sống, thiết tha dâng hiến, thiết tha vươn đến tình yêu đích thực trào dâng trong những biến cố dồn dập và dồn dập… làm nên nút thắt tưởng như ngộp thở của Sóng.
Có thể nói, ê-kíp sáng tạo có cách lý giải của riêng mình về sự tan vỡ trong cuộc tình Xuân Quỳnh – Trọng Khoa, bằng những lý lẽ rất đời thường, giản đơn mà vẫn đủ sức gợi. Hẳn rằng, khi thưởng thức đến phân cảnh này, không ít khán giả ở tuổi xưa nay hiếm không khỏi rưng rưng, thấm thía khi được chuyện của “Sóng” - chuyện của Xuân Quỳnh - nhắc nhớ về cuộc sống của những năm tháng thời bao cấp với biết bao thăng trầm, nhọc nhằn, vui buồn để mà chia sẻ và trân trọng khát vọng sống, khát vọng yêu của thi sĩ.
Còn với khán giả trẻ hôm nay lại chẳng thấy câu chuyện bị lạc hậu, xa vời, trái lại họ vẫn có thể dễ dàng đồng cảm cùng sắc màu tươi trẻ của âm nhạc, tiết tấu nhạc kịch cũng như tìm được sự gần gũi, chân thực trước một tình yêu quyết liệt, mạnh mẽ mà cũng không kém phần hiện đại, quyến rũ: “Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố”…
Khắc khoải khát vọng
Cũng từ “Sóng”, khán giả còn được thêm một lần phập phồng theo nhịp yêu của Xuân Quỳnh cùng Đăng Dương (nhân vật xây dựng từ nguyên mẫu nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ). Dù rằng nhịp phập phồng yêu này rất đỗi thân quen xoay quanh chuyện nhà chật 6m2: “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình” (bài thơ “Nhà chật” – Lưu Quang Vũ).
Của những chuyện con anh, con tôi và con chúng ta, chuyện có thể thiếu thốn cơm áo gạo tiền nhưng không thể để vẽ tranh, viết văn, làm thơ ngưng nghỉ; không thể không phơi phới niềm tin: “Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi/Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời (bài thơ “Nhà chật” – Lưu Quang Vũ).
Nhưng, bên cạnh những cái thân quen vốn đã được nhắc nhớ nhiều lần mỗi khi nói về cặp đôi Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh ở các chương trình, sự kiện khác, trong nhạc kịch “Sóng” còn xuất hiện nhiều mới lạ.
Nổi bật là nét tả thực khi ngay trên sân khấu, ê-kíp sáng tạo tái hiện mô hình ngôi nhà 6m2, tường dán kín báo, mời gọi khán giả cùng bước vào thế giới của tổ ấm thi ca, hội họa lúc nào cũng ăm ắp ngọt ngào, rộn ràng yêu thương, ấm nồng… của ông bố - bà mẹ và những đứa con say mê viết văn, làm thơ, vẽ tranh…
Chỉ có điều, sau giai điệu hạnh phúc ấy, khán giả lại khắc khoải cùng nhịp phập phồng yêu trong thế giới nội tâm bộn bề những ưu tư, phiền muộn rất đời của người phụ nữ ở tuổi 40 như Xuân Quỳnh bên người chồng bắt đầu thành danh như Lưu Quang Vũ.
Bề ngoài tưởng như người phụ nữ ấy mãn nguyện, bằng lòng nhưng bên trong lại là biết bao thấp thỏm, âu lo, mong manh trong biết bao cung bậc cảm xúc: “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ/Sông không hiểu nổi mình/Sông tìm ra tận bể” đến nỗi thức thở: “Con sóng giữa lòng sâu/Con sóng trên mặt nước/Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức…” (bài thơ “Sóng” – Xuân Quỳnh).
Có thể nói, bản phổ cho bài thơ “Sóng” cùng diễn xuất sinh động của các nghệ sĩ ở phân cảnh này đã chuyên chở gần như trọn vẹn nhịp phập phồng yêu, thiết tha sống luôn đong đầy trong trái tim nữ sĩ đa cảm, đa đoan.
Đặc biệt, nhịp phập phồng yêu của Xuân Quỳnh được khép lại bằng những tự sự, cật vấn, trăn trở cho đến khi phải chợt ngưng vì kiệt sức trong những ngóng đợi, chờ mong, hoài nghi. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng gọi thiết tha của con trẻ thì mới hồi tỉnh: “- Con yêu mẹ bằng ông trời/ Rộng lắm không bao giờ hết/(…)/ - Con yêu mẹ bằng Hà Nội/ Để nhớ mẹ con tìm đi/ (…) - Con yêu mẹ bằng trường học/ Suốt ngày con ở đấy thôi…” (bài thơ “Con yêu mẹ” - Xuân Quỳnh).
Đây cũng là giây phút mà cả không gian thánh đường dường như lắng lại rồi cùng vỡ òa trong hạnh phúc tròn đầy. Rõ ràng, cũng như bao người mẹ khác, chưa lúc nào người mẹ Xuân Quỳnh không thôi phập phồng yêu để rồi tha thiết sống vì những tâm hồn trẻ thơ dấu yêu kia.
Bằng sự hóa thân trong trẻo, thơ ngây của những diễn viên nhí: Lưu Hoàng Yến Nhi, Nam Phong, Song Tùng, phân cảnh này đã chạm đến trái tim khán giả hôm nay với không ít nghẹn ngào, xao xuyến, rưng rưng…
Mất cả năm để chuẩn bị và luyện tập, “Sóng” là tác phẩm nghệ thuật thuần Việt biểu diễn theo phong cách broadway (nhạc kịch) được các nghệ sĩ hôm nay sáng tạo bằng cả tài năng và tâm huyết cùng kỳ vọng sẽ thắp lửa cho một nền nhạc kịch thực sự của nước nhà.
Bên cạnh một dàn nhạc semi-classic (bán cổ điển) thăng hoa, “Sóng” cũng đã hội tụ được không ít gương mặt đầy tiềm năng dành cho nhạc kịch thuần Việt như Thu Thảo, Quốc Việt, Việt Anh… Dẫu rằng, vẫn còn đó những điểm trừ về sự thiếu chặt chẽ của kịch bản, sự chưa cân xứng giữa hai phần hay cách diễn xuất, ca hát kém tự nhiên, mượt mà cũng như cách gọi tên nhân vật Trọng Khoa, Đăng Dương có phần khiên cưỡng, gượng gạo… nhưng “Sóng” đã để lại nhiều dư âm, đưa khán giả hòa vào nhịp thở, nhịp yêu, nhịp khát vọng, ước mơ của Xuân Quỳnh.
Mong rằng, sau những đêm công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch “Sóng” (kịch bản: Kim Thùy, tổng đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh) sẽ tiếp tục được trình diễn đến công chúng bằng những phiên bản hoàn chỉnh và hấp dẫn hơn.