Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

GD&TĐ - Theo nhiều chuyên gia, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động.

Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ảnh minh họa: ITN
Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ảnh minh họa: ITN

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là vấn đề hết sức cấp bách, mang ý nghĩa nhân văn và bảo đảm công bằng cho người lao động. Ðây cũng là cách khoan thư sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.

Thu nhập ngày càng giảm

Anh Đức Chung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhẩm tính, với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, có hai con, hàng tháng anh phải hết sức tiết kiệm mới đủ trang trải tiền thuê nhà, tiền học chính khóa, học thêm tiếng Anh, tiền ăn... cho cả gia đình (vì chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ).

“Với mức lương 20 triệu đồng/tháng chắc chắn tôi không dư được đồng nào để gửi tiết kiệm. Thế nhưng, sau khi giảm trừ cho bản thân và hai con, tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Rất mong cơ quan Nhà nước có tính toán lại vấn đề này cho phù hợp với cuộc sống hiện tại của người dân”, anh Chung chia sẻ.

Theo chuyên gia Lê Minh Hùng, từ năm 2020 đến nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19 mà thu nhập của người làm công ăn lương, nhất là những người nộp thuế, bị giảm sút. Vì đó, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cá nhân là rất cần thiết.

Ông Hoàng Minh Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Phúc Hưng cũng đồng tình về mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc hiện nay đã quá lạc hậu.

Do vậy cần phải đánh giá lại một cách toàn diện và điều chỉnh ngay trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không thể vin vào lý do chỉ số giá tiêu dùng tăng chưa đủ 20% để trì hoãn.

“Thay vì dồn sức ép vào các đối tượng dễ thu là người làm công ăn lương thì cơ quan thuế cần có thêm công cụ, nguồn lực để khai thác những nguồn thu mới như: Thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới... Do vậy, nếu có chính sách đột phá thì các nguồn thu mới này sẽ dư sức bù đắp nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân khi nâng mức giảm trừ gia cảnh”, ông Phúc nêu quan điểm.

Nỗi lo “quyết toán thuế”

“Các cá nhân sẽ khó phát hiện được mã số thuế của mình có bị lợi dụng hay không nếu không thực hiện các thủ tục quyết toán thuế hoặc cơ quan chức năng mời lên làm việc”, luật sư Trần Hậu nhìn nhận.

Anh Trần Hùng (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mã số thuế của anh đã được đăng ký từ lâu với đầy dủ thông tin. Tuy nhiên, sau kỳ quyết toán thuế mới đây, anh Hùng mới biết mã số thuế của anh đã bị một doanh nghiệp lấy cắp.

“Khi liên hệ chi cục thuế quản lý công ty đó, tôi đã được họ hướng dẫn làm công văn giải trình và xin hủy mã số thuế của doanh nghiệp khai gian đó. Tôi đã đăng cảnh báo này lên trang cá nhân nhằm cảnh báo đến bạn bè khi gửi thông tin căn cước công dân, nhớ bôi đen một số chi tiết nhằm tránh bị lợi dụng thông tin vào những mục đích không đúng đắn”, anh Hùng cho biết.

Tương tự, chị Phạm Kim Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) được cấp mã số thuế từ năm 2009. Vì nơi làm việc của chị Linh có trụ sở ở Hà Nội nên hơn chục năm nay chị quyết toán thuế ở Cục Thuế Hà Nội.

Thế nhưng, đến năm 2018 chị Linh lại có thêm một mã số thuế nữa do Cục Thuế TPHCM cấp. Khi tra cứu trên hệ thống của Tổng cục Thuế, chị Linh phát hiện cả hai mã số thuế đều đang hoạt động và do Cục Thuế Hà Nội quản lý.

“Tôi không hề đi đăng ký mã số thuế thứ 2. Đến khi tôi đi làm thủ tục liên quan đến chuyển nhượng nhà mới biết mình được cấp một mã số thuế nữa. Như giải thích của Cục Thuế TPHCM, mã số thuế này được cấp theo chứng minh nhân dân mà tôi đổi vào năm 2011. Dù đã có liên hệ với cơ quan thuế ở TPHCM để đóng mã số thuế thứ 2 này, nhưng tôi không hiểu tại sao giờ mã số đó lại được chuyển cho Cục Thuế Hà Nội quản lý”, chị Linh nói.

Một cán bộ thuộc Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này cũng từng giải quyết nhiều trường hợp bị “đánh cắp” mã số thuế cá nhân. Đây là tình trạng ăn cắp mã số thuế khá phổ biến.

Rất nhiều doanh nghiệp đăng tuyển người, nhận hồ sơ hàng loạt, nhưng chỉ nhận một số lượng rất ít vào công ty. Tuy nhiên, hồ sơ của những người không trúng tuyển vẫn được doanh nghiệp lưu giữ. Đến khi cần khai khống chi phí, họ lấy thông tin trong hồ sơ cũ và tự làm mã số thuế cá nhân khống để lách thuế.

Để tạo thuận lợi cho người dân nộp thuế, từ đầu năm 2024, Tổng cục Thuế hướng dẫn người dân đóng, hủy mã số thuế theo quy định hoặc cập nhật thông tin chính xác của các mã số thuế đang tồn tại.

Luật sư Trần Hậu - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng phân tích, việc kê khống lao động là hành vi gian dối của doanh nghiệp (tăng chi phí qua trả lương, tiền công). Việc này nhằm giảm đi phần thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng. Thường các doanh nghiệp sẽ chọn người lao động có thu nhập thấp hoặc người lao động có nhiều người phụ thuộc để thu nhập không phải đến mức chịu thuế.

Ví dụ, doanh nghiệp trả cho người thu nhập 100 triệu đồng/năm và khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân 10%, tức 10 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước. Nghe thì có vẻ doanh nghiệp sẽ không được lợi gì.

Nhưng thực tế, doanh nghiệp chịu thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, nếu không đưa 100 triệu đồng vào chi phí thì doanh nghiệp đóng thuế 20 triệu đồng. Còn đưa vào chi phí như nói trên, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được một nửa tiền thuế, tức 10 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ