Thay đổi thuế thu nhập cá nhân: Phù hợp thực tế đời sống người lao động

GD&TĐ - Trước tình hình kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa leo thang, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ là biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động.

Điều chỉnh mức thu thuế cá nhân để phù hợp với tình hình kinh tế người dân thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa
Điều chỉnh mức thu thuế cá nhân để phù hợp với tình hình kinh tế người dân thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa

Trước tình hình kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa leo thang, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động và gia đình họ giảm bớt gánh nặng.

Điều chỉnh hợp lý, công bằng

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định phương pháp tính thuế lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc có thuế suất tương ứng. Cụ thể, mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng thuế suất 5%; trên 5 - 10 triệu đồng thuế suất 10%; trên 10 - 18 triệu đồng thuế suất 15%; trên 18 - 32 triệu đồng thuế suất 20%; trên 32 - 52 triệu đồng thuế suất 25%; trên 52 - 80 triệu đồng thuế suất 30%, trên 80 triệu đồng thuế suất 35%.

Đặc biệt, mức thuế suất cao nhất 35% đối với thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nhắm vào nhóm đối tượng làm công ăn lương, chưa bao quát được hết những người có thu nhập cao trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bán hàng hóa - dịch vụ qua mạng… Đây là những lĩnh vực có những khoản thu rất lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế.

Bà Nguyễn Mai Thuý - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế Votex nhìn nhận, biểu thuế TNCN có 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày cộng với thuế suất cao, tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới tăng nhẹ đã rơi vào thuế suất cao hơn.

“Người có thu nhập 18 triệu đồng/tháng nộp thuế 15% nhưng khi thu nhập chỉ tăng lên trên 18 triệu đồng/tháng là phải nộp thuế 20%. Vì vậy, Luật Thuế TNCN sửa đổi có thể giảm bậc chịu thuế, hạ thuế suất của các bậc thuế để thể hiện một phần tính công bằng cho một số người nộp thuế. Ngoài ra hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với chi phí hằng tháng của họ”, bà Thuý đề xuất.

Bà Thuý cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh khó khăn sau khi trải qua đại dịch Covid-19, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động và gia đình họ giảm bớt gánh nặng. Nhà nước cần xem xét tình hình kinh tế, tình trạng đời sống của người lao động để xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý và mang tính công bằng, đồng thời cần được cân nhắc với nguồn thu ngân sách và mục tiêu phát triển kinh tế.

Lắng nghe dân để có chính sách phù hợp

Vừa có tin nhắn báo nhận lương, chị Phạm Minh Phương (phường Phương Liên, quận Đống Đa) ngay lập tức thanh toán các khoản chi cố định hàng tháng như: Tiền học của 2 con, tiền điện, nước, phí dịch vụ, Internet, di động trả sau… Sau nửa tiếng chuyển khoản thanh toán các chi phí, số lương 16 triệu của chị chỉ còn vỏn vẹn chưa được 2 triệu đồng.

Theo chia sẻ của chị Phương, thu nhập của gia đình, ngoài lương của chị còn có lương của chồng 18 triệu đồng, nhưng chỉ đến gần cuối tháng là đã không còn đồng nào, bởi các chi phí đều tăng giá.

“Như gia đình tôi, chỉ tính chi riêng cho 2 con tiền học và tiền sữa, tiền ăn… đã hết khoảng hơn 10 triệu đồng. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng. Lương không đủ sinh hoạt cơ bản mà vẫn phải đóng thuế TNCN, thực sự là một gánh nặng với người lao động”, chị Phương than thở.

Ở trường hợp khác, chị Hứa Thị Hằng (quận Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, ở Hà Nội nếu thu nhập được 15,4 triệu đồng mà có 1 con đi học trường công, thì gia đình vẫn không đủ sống với hàng trăm khoản chi tiêu đắt đỏ.

“Nếu như trước đây cầm 200.000 đồng đi chợ là có thể mua đủ loại thực phẩm cho gia đình ăn một ngày, nhưng bây giờ phải tăng gấp đôi, vì cái gì cũng đắt”, chị Hằng nói.

Theo quy định, hiện mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng/tháng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng). Mức giảm trừ này được duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người, còn 4,4 đồng triệu xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.

Trong khi hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Với mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh trên không đủ trang trải cho những chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… khi họ vừa nuôi con ăn học, vừa thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày từ ăn uống, tiền điện nước, khám chữa bệnh… Thêm vào nữa, 3 năm vừa qua, trải qua đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế khó khăn, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng, việc duy trì mức thuế TNCN hiện tại đã trở thành gánh nặng với người nộp thuế.

Thực tế, bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Điều vô lý nữa là mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần, nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.

“Nhà nước cần lắng nghe nguyện vọng chính đáng, hợp lý của người dân, đẩy nhanh quá trình điều chỉnh chính sách thuế TNCN. Đừng để thuế trở thành gánh nặng của người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.