Trong năm 2020, Chương trình Sữa học đường đến với nhiều trẻ em khó khăn ở 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi gồm: Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long với tổng trẻ em thụ hưởng chương trình lên hơn 58.000 em. Theo đề án, các em học sinh sẽ uống sữa 3 hộp/tuần với dung tích 110ml (khối mầm non) và 180ml (khối tiểu học).
Kinh phí uống sữa trong năm học 2019 - 2020 được tài trợ hoàn toàn từ ngân sách tỉnh Quảng Ngãi và Công ty Vinamilk - đơn vị trúng thầu. Vì vậy phụ huynh không đóng bất kỳ khoản phí nào. Các hộ gia đình đa phần là người đồng bào tộc miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế, nên chính sách này đặc biệt có ý nghĩa với họ.
Chương trình được triển khai không chỉ hỗ trợ nhà trường tăng cường chế độ dinh dưỡng cho học sinh học tập tốt hơn mà còn giúp phụ huynh yên tâm con đến trường có thể phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng...
Chị Đinh Thị Vương - người đồng bào H’re tại xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà cho hay: “Gia đình tôi sống bằng nghề nông, nhưng thời tiết khắc nghiệt quá nên lúa cháy hết, keo và mì cũng mùa được mùa không nên giờ sống dựa vào quán bún trước nhà. Vợ chồng tôi cố gắng làm lụng cho hai đứa con đi học vì không biết chữ thì nghèo lại càng nghèo. Nhờ tỉnh và Vinamilk mà gia đình tôi tiết kiệm được một phần chi phí khi kinh tế khó khăn. Bé Nhân – con trai út uống Sữa học đường về nhà có tăng cân nên vợ chồng tôi rất phấn khởi”.
Gia đình chị Vương rất quan tâm đến việc học tập của con và ủng hộ chương trình Sữa học đường. |
Nhà trường, giáo viên và học sinh cũng phấn khởi vì giờ đây các em đồng loạt được uống sữa và có thêm hoạt động thú vị lồng ghép truyền tải các kiến thức dinh dưỡng và ý thức bảo vệ môi trường đến các em nhỏ. Không đợi thầy cô nhắc nhở, các em trật tự xếp hàng lấy sữa, tự giác xếp vỏ hộp gọn gàng, bỏ đúng nơi quy định sau khi uống xong.
Các em học sinh Trường tiểu học thị Trấn Di Lăng số 1 thực hành thao tác gấp vỏ hộp sau khi uống. |
Cô Bùi Thị Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 2A Trường tiểu học thị trấn Di Lăng số 1 chia sẻ: “Đến giờ uống sữa là các em rất hào hứng chờ đợi giáo viên phát sữa. Các em tự nghĩ ra các trò chơi nhỏ như đứng tại chỗ thi xem ai uống nhanh hơn và được cô khen. Uống xong các em tự giác gấp vỏ hộp ngay ngắn và cho vào thùng rác”.
Không chỉ vậy, cô Thúy thể hiện rõ sự vui mừng vì các em học sinh trong lớp đi học chuyên cần hơn. Trong lớp của cô có em Đinh Thị Hồng Nhi là người đồng bào H’re. Nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi mồ côi cha từ nhỏ, còn mẹ bị bệnh nằm viện đã lâu. Vì lo cho mẹ và Nhi nên chị gái bỏ học giữa chừng để kiếm tiền. Chính vì thế, chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ kinh tế của những gia đình khó khăn như gia đình của Nhi và cô Thúy mong muốn chương trình có thể kéo dài ở những năm tiếp theo.
Thầy Phan Khắc Hiền - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Di Lăng số 1 chia sẻ: “Lợi ích mà chương trình đem lại rất thiết thực. Với sự hỗ trợ 100% kinh phí từ tỉnh và Vinamilk cho học sinh nghèo, giúp hình thành thói quen uống sữa cho các em. Nhiều phụ huynh quan tâm đến sự phát triển của con em đã đến trao đổi với trường, sau đó rất an tâm khi nghe về chương trình. Còn một số phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn thì vui mừng vì bớt gánh nặng về kinh tế mà con em được giáo dục các thói quen tốt”.
Trước khi Chương trình Sữa học đường được triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Vinamilk đã tổ chức tập huấn cho gần 1.000 giáo viên đến từ các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn 6 huyện miền núi về cách bảo quản sữa, tổ chức uống sữa đúng cách, kiến thức dinh dưỡng...
Sữa học đường đã được nhiều tỉnh, thành đồng loạt tổ chức lại ngay khi học sinh quay lại trường sau kỳ nghỉ dài vì Covid-19. Một số địa phương cũng bắt đầu triển khai đề án như tháng 6 vừa qua. Hơn 33.000 học sinh ở 6 huyện miền núi của Quảng Nam cũng được tỉnh và Vinamilk hỗ trợ kinh phí uống Sữa học đường.
Đến nay, Chương trình Sữa học đường đã được Vinamilk đồng hành triển khai đến hàng triệu học sinh mầm non, tiểu học tại 22 tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Thuận... và trở thành một phần trong hoạt động giáo dục tại nhiều địa phương.