Nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi này là hợp lý, thuận lợi hơn cho cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn.
Phù hợp với quy định trong Luật và thực tiễn
Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.
Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT), nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý nhất liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh. Cụ thể, Khoản 7, Điều 6 của Nghị định 127 năm 2018 quy định, một trong những trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh là “Quản lý các trường ĐH công lập trực thuộc tỉnh, các trường đại học tư thục trên địa bàn theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “Thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ đối với các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc tỉnh; các cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc các bộ, ngành khác; cơ sở giáo dục ĐH tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đặt trụ sở trên địa bàn theo quy định của pháp luật”.
Khẳng định quy định trong dự thảo là phù hợp, ông Đặng Tự Ân lý giải: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh được mở rộng nhằm đáp ứng quy định trong Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn giáo dục. Chẳng hạn quản lý Nhà nước các “cơ sở giáo dục nghề nghiệp” trên địa bàn tỉnh, vốn thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
“Tuy nhiên, nếu sửa đổi Khoản 7, Điều 6 của Nghị định 127 thì một số nội dung khác của Nghị định cũng cần điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ. Đơn cử: Khoản 2, Điều 1, Nghị định 127 với quy định Nghị định này không áp dụng với giáo dục nghề nghiệp; Điều 7 về trách nhiệm quản lý Nhà nước của chủ tịch UBND cấp tỉnh liệu có cần bổ sung hay vẫn giữ nguyên?” - ông Đặng Tự Ân đặt câu hỏi.
Ngoài nội dung này, góp ý sửa đổi Nghị định 127, ông Đặng Tự Ân cũng cho rằng: Khoản 1 Điều 3, Nghị định 127 có ghi đảm bảo tính thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục; tuy nhiên trách nhiệm của UBND tỉnh cũng như UBND huyện không đề cập tới hệ thống các trường tư thục ở phổ thông, trong khi nhiều hoạt động ở các trường tư còn có bất cập. Khoản 9 Điều 4 có nêu “Quản lý, hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục”; nên chăng bổ sung những điều khoản về kiểm tra giám sát; chấp hành quy định chuyên môn, thực hiện thỏa thuận mức thu học phí, thời gian kế hoạch năm học… đối với hệ thống các trường tư thục.
Thuận lợi cho trường đại học
GS.TS Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng quan điểm việc sửa đổi Nghị định 127 là đúng với quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điểm mới liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp tỉnh cũng là hợp lý, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tạo động lực cho các nhà trường phát triển; thực hiện giám sát trách nhiệm giải trình của các trường ĐH chặt chẽ, hướng tới lợi ích tốt hơn cho người dân nói chung, người học nói riêng.
ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cũng nhận định việc sửa đổi Khoản 7, Điều 6, Nghị định 127/2018/NĐ-CP là phù hợp với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi khi bổ sung trường đại học công lập trực thuộc các bộ và phân hiệu của các trường đại học cho tỉnh/thành phố quản lý.
Theo đó, các trường đại học sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ tỉnh/thành phố trong chính sách phát triển của nhà trường như: Quỹ đất; hạ tầng công cộng; chế độ chính sách cho cán bộ giảng viên (đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, người tài), người học; ưu tiên đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học của địa phương... Sự phát triển của trường đại học sẽ gắn liền với sự phát triển của tỉnh/thành phố và ngược lại.