Theo dự thảo này, điểm kiểm tra theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10 và là một số nguyên. Điểm kiểm tra học kỳ có thể số thập phân, phần thập phân được giữ lại một chữ số, là số 0 hoặc số 5 theo quy tắc làm tròn.
Hình thức kiểm tra gồm kết hợp kiểm tra miệng, kiểm tra viết 15 phút, kiểm tra viết một tiết trở lên, kiểm tra thực hành, kiểm tra học kỳ với các hình thức kiểm tra, đánh giá quá trình: phiếu hỏi, phiếu quan sát, nhật kí học tập, kế hoạch học tập, sổ theo dõi học tập, hồ sơ học tập, phỏng vấn, thông tin phản hồi của bạn bè và học tập hợp tác.
Điểm trung bình các môn học kỳ là trung bình cộng của điểm trung bình môn học kỳ tất cả các môn học.
Điểm trung bình cả năm là trung bình cộng của điểm trung bình môn cả năm của tất cả các môn học.
Điểm trung bình học kỳ, cả năm là một số nguyên hoặc số thập phân, phần thập phân giữ lại một chữ số theo quy tắc làm tròn.
Dự thảo cũng ghi rõ một số đối tượng học viên không thuộc diện xếp loại hạnh kiểm. Đó là: Học viên học theo hình thức vừa làm vừa học và học viên học theo hình thức tự học có hướng dẫn.
Học viên học theo hình thức vừa làm vừa học gồm có: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang; người lao động từ 20 tuổi trở lên đối với cấp THCS và 25 tuổi trở lên đối với cấp THPT.
Dự thảo bổ sung nội dung đánh giá học viên khuyết tật. Theo đó, đánh giá học viên khuyết tật theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và sự tiến bộ của học viên.
Học viên khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình GDTX cấp THCS, THPT được đánh giá, xếp loại theo các quy định như đối với học viên bình thường.
Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học viên khuyết tật không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung được đánh giá dựa trên sự nỗ lực, tiến bộ khi thực hiện Kế hoạch giáo dục cá nhân; không xếp loại đối tượng này…