4 góp ý cho việc sửa đổi Luật Giáo dục Đại học

GD&TĐ - Từ thực tế quản lý, GS.TS. Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh – chia sẻ một số quan điểm để chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, Hội đồng trường, về chức danh giảng viên và trình độ chuẩn giảng viên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần làm rõ hơn vấn đề từ chủ đại học

Liên quan đến cơ cấu tổ chức của nhà trường, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, vấn đề tự chủ đại học cần phải được làm rõ thêm trong Luật giáo dục Đại học bao gồm: Tự chủ học thuật, Tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính. Trong đó tự chủ tài chính phải đồng bộ với Luật ngân sách, Luật kế toán, Luật đầu tư công,… vì hiện nay có độ lệch giữa các luật này.

Cùng với đó, cần quy định rõ hơn quyền tự chủ học thuật cho trường đại học về chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo mới. Vấn đề trách nhiệm giải trình cũng phải được đưa vào luật.

Cũng liên quan đên cơ cấu tổ chức nhà trường, theo GS Đinh Xuân Khoa, nên bỏ mô hình tổ chức đại học vùng vì thực tế hoạt động không hiệu quả. Sử dụng mô hình trường đại học gồm các trường trực thuộc (University và các college thuộc University) - đây là mô hình tổ chức phổ biến trên thế giới, đồng thời cũng là mô hình nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ.

Đưa vào Luật quy định về “trách nhiệm của Hội đồng trường”

Trong Luật Giáo dục Đại học 2012 chỉ mới quy định “nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường” chưa quy định trách nhiệm của Hội đồng trường. Vì vậy, GS Đinh Xuân Khoa đề nghị đưa vào Luật quy định về “trách nhiệm của Hội đồng trường”.

Ngoài ra, tại khoản a, điểm 3, Điều 16 thành viên Hội đồng trường quy định: “a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện một số khoa, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học;”...

Cần điều chỉnh lại: “a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện cán bộ, viên chức của cơ sở giáo dục đại học, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học;”.

Tại điểm 5, Điều 16 quy định “Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm và theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng”. GS Đinh Xuân Khoa đề nghị điều chỉnh lại: “Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm”, vì nhiệm kỳ của Hiệu trưởng phải theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường mới đúng.

Đồng thời, thêm vào khoản 1, Điều 20 “Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 5 năm theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường”.

Chưa thống nhất về trình độ chuẩn giảng viên

Khoản 3, Điều 54 quy định “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định”.

Tuy nhiên, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, điểm a, khoản 2, Điều 6 của Thông tư 36 lại quy định “Điều 6. Giảng viên (hạng III) - Mã số: V.07.01.03. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy”. Do đó giữa hai văn bản chưa thống nhất.

Cần nghiên cứu sửa đổi chức danh của giảng viên

Liên quan đến chức dang giảng viên, GS Đinh Xuân Khoa cho biết: Khoản 2, Điều 54 quy định “Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư”;

Trong khi đó Điều 2, Thông tư 36/2014/TTLT-GD ĐT-BNV, ngày 28/11/2014 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập quy định: “Chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp (hạng I), Giảng viên chính (hạng II), Giảng viên (hạng III).

Như vậy, giữa Luật Giáo dục đại học và Thông tư 36 không đồng nhất về chức danh giảng viên, hơn nữa Luật viên chức cũng quy định “viên chức gồm 4 hạng: Viên chức hạng I; viên chức hạng II, viên chức hạng III; viên chức hạng IV”.

Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi chức danh của giảng viên trong Luật Giáo dục đại học để phù hợp với Thông tư 36 và Luật Viên chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ