Sự việc học sinh lớp 5 lên xe người lạ: Cảnh báo an toàn cho trẻ

GD&TĐ - Một học sinh lớp 5 tại TPHCM vừa ra khỏi trường bị người lạ lừa lên xe, lấy hết nữ trang cùng điện thoại. Vụ việc thêm lần nữa cảnh báo về an toàn cho trẻ đối với phụ huynh và cả nhà trường.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An (phải) trong một buổi nói chuyện về kỹ năng an toàn cho trẻ.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An (phải) trong một buổi nói chuyện về kỹ năng an toàn cho trẻ.

Vừa rời cổng trường đã lên xe người lạ

Vừa qua, UBND Quận 10 (TPHCM) phát thông tin đến tất cả trường học và người dân trên địa bàn về việc nâng cao cảnh giác và hạn chế cho học sinh đem theo tài sản, vật dụng có giá trị vì mới đây, chiều 9/6 có một học sinh lớp 5 bị dụ dỗ, lừa đảo lấy mất một số tài sản có giá trị.

Theo lời kể của một số phụ huynh, khi vừa rời cổng trường, một nữ sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trương Định (Quận 10) gặp một người phụ nữ tự xưng là phó hiệu trưởng một trường khác đề nghị em lên xe chở đến gặp giáo viên chủ nhiệm để thầy cô trao đổi với em về việc học. Thấy người phụ nữ nói chuyện thuyết phục nên em leo lên xe. Đi được một quãng, người phụ nữ dừng xe, yêu cầu em ngồi viết những thứ mang theo. Trong lúc nữ sinh đang viết, người này lục lọi lấy các tài sản có giá trị trong cặp và lột nữ trang em đang đeo trên người. Sau đó, người phụ nữ chở em đến một trường tiểu học khác cũng trên địa bàn Quận 10 “trả”, bảo “con vào đó gặp thầy, cô của con”.

Sự việc được các thầy cô Trường Tiểu học Lê Đình Chinh phát hiện khi nữ sinh mượn điện thoại một giáo viên ở trường gọi cho phụ huynh khóc lóc. Hai nhà trường đã trao đổi thông tin với nhau để giữ học sinh tại trường chờ đến khi phụ huynh đến đón con về.

Trả lời trên báo chí, ông Hồ Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Định (Quận 10), xác nhận có vụ việc nữ sinh lớp 5 của trường bị dụ dỗ lừa lấy tài sản (điện thoại và nữ trang) nhưng may mắn không ảnh hưởng nhiều đến thể chất và tinh thần trẻ. Theo Hiệu trưởng nhà trường, sự việc xảy ra bên ngoài nhà trường nhưng ngay sau khi sự việc xảy ra, trường đã thông tin và rút kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường cũng như gửi cảnh báo đến phụ huynh.

Một đại diện Phòng GD&ĐT Quận 10, TPHCM, cho biết, sự việc lừa đảo nói trên diễn ra ngoài trường nên UBND Quận 10 ra chỉ đạo chung cho tất cả công dân và các trường nâng cao cảnh giác. Bên cạnh việc nâng cao cảnh giác, Phòng GD&ĐT Quận 10 cũng khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho học sinh, phụ huynh cần phối hợp nhịp nhàng với nhà trường trong việc đảm bảo an toàn cho con em. Đặc biệt, phụ huynh không nên để con em mình đeo trang sức, nhẫn, đồng hồ, điện thoại... gây chú ý và làm nảy sinh lòng tham ở kẻ xấu, gây nguy hiểm đến sự an toàn, an nguy của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dặn dò trẻ thêm về các kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trước các hành vi xấu ngoài xã hội.

Trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc mọi tình huống. Ảnh minh họa: C.Chương
Trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc mọi tình huống. Ảnh minh họa: C.Chương

Trẻ cần được bảo mật thông tin một cách tối đa

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, em học sinh này đã an toàn, tuy nhiên vụ việc cho thấy có một kẽ hở nguy hiểm trong việc an toàn của trẻ lúc tan học. TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp 4.0 JobWay - cố vấn cấp cao Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam, cho rằng, việc một người lạ có thể khiến một đứa trẻ lên xe ngồi để chở đi một nơi nào đó chắc chắn là điều cần phải có sự chuẩn bị rất chu đáo từ trước, đặc biệt là các thông tin về trường nào, lớp mấy, ba mẹ tên gì, cô giáo là ai, hay chơi với bạn nào, hôm qua gia đình mới đi du lịch ở đâu… Tiếc thay, những thông tin tưởng như rất riêng tư như thế này lại có thể khai thác trong vòng 1 nốt nhạc khi kẻ xấu biết được tài khoản mạng xã hội của phụ huynh, giáo viên hay của chính đứa trẻ.

Trẻ em cần được bảo mật thông tin một cách tối đa. Thủ đoạn của kẻ lừa đảo luôn là đánh vào lòng tin bằng cách cho trẻ biết được mình nắm được những thông tin mà chỉ người thân mới biết, đánh vào lòng tham (cho đồ chơi, cho tiền, cho kẹo, truyện tranh…) hoặc đánh vào sự mất cảnh giác của nạn nhân.

“Cách ứng phó với những tình huống này cần tăng cường sự chủ động cho trẻ, tránh trẻ liên tục rơi vào những tình thế bị động và phải cuốn theo sự dẫn dắt của kẻ xấu. Để làm được điều này, phụ huynh cần tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm để trẻ tập đưa ra các cách ứng phó, nhà trường thông qua các tiết kỹ năng sống trang bị cho trẻ cách nhận diện kịp thời và xử lý nhanh chóng với những trường hợp lừa đảo, dụ dỗ…

Việc hướng dẫn trẻ cách xác nhận lại thông tin với ba mẹ, thầy cô, chú bảo vệ trường khi có người lạ tiếp cận là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất password (mật mã) với trẻ, nếu ba mẹ - người thân có nhờ ai khác thì phải đọc đúng được mật mã này mới đúng là người an toàn…” - TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.

Trong khi đó, ThS Lê Thị Hồng Anh (tác giả Dự án Chuyến xe trải nghiệm dành cho học sinh TPHCM) cho rằng, cần trang bị kỹ năng phán đoán tình huống và nhận diện khi có người lạ mặt tiếp cận cho trẻ. Trong đó, đối với trường học, cần tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xây dựng nhiều tình huống giả định để học sinh xử lý qua đó giáo dục các em kỹ năng phán đoán, sự bình tĩnh và biết tìm người trợ giúp, biết truy hô khi gặp tình huống nguy hiểm. Cần nâng cao hơn nữa công tác liên hệ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh, thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến các em để cùng phối hợp.

“Đối với phụ huynh cần đảm bảo việc đưa đón các em theo lịch trình đã thống nhất với con, không nên để các em chờ đợi quá lâu sau giờ học phòng kẻ xấu có dịp tiếp cận; Không nên cho con đeo trang sức có giá trị, sử dụng các thiết bị, phương tiện công nghệ hiện đại, vì đây chính là cơ hội cho kẻ xấu để ý, theo dõi và tìm cách tiếp cận nhằm lấy tài sản hoặc có thể gây nguy hại thể chất, tinh thần.

Đối với học sinh, các em cần phải hết sức bình tĩnh, biết phán đoán các tình huống khi người lạ tiếp cận, phải biết truy hô, nhờ người giúp đỡ và chạy đến chỗ đông người nếu người lạ đang có ý định tiếp cận. Đặc biệt, các em phải kiên định không được nghe lời bất cứ điều gì khi gặp người lạ…”, ThS Lê Thị Hồng Anh chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng ban Truyền thông Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM)  chia sẻ: “Các bậc làm cha mẹ nên hạn chế cho con đeo trang sức, mặc phục sức quá mắc tiền, quý giá. Việc mang theo trên người những món đồ đắt tiền vô tình sẽ dẫn dắt những người bất chính để ý và đôi khi sẽ còn dẫn tới chuyện không hay. Thêm vào đó, phụ huynh nên dạy con cách nhận thức về việc gặp người lạ. Trẻ cần được chỉ dẫn, hướng dẫn không nên tiếp xúc với người lạ, cũng không nghe lời người lạ. Các con cũng nên được dạy những thế võ để tự bảo vệ chính mình, đặc biệt là các bé gái….”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ