Vùng an toàn cho trẻ trên không gian mạng

GD&TĐ - Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc giảng dạy, học tập và vui chơi giải trí trực tuyến trở thành xu thế không thể đảo ngược.

Người lớn cần quan tâm tới trẻ nhiều hơn để bảo vệ con an toàn trên không gian mạng. Ảnh minh họa, nguồn: UNICEF Việt Nam.
Người lớn cần quan tâm tới trẻ nhiều hơn để bảo vệ con an toàn trên không gian mạng. Ảnh minh họa, nguồn: UNICEF Việt Nam.

Điều này đặt ra những thách thức trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Đặc biệt là trong cả các kỳ nghỉ lễ Tết mà con được thoải mái với thiết bị điện tử.

Đừng “tặc lưỡi” dễ dàng

Nhiều cha mẹ thừa nhận, dịp nghỉ lễ, con trẻ có xu hướng sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn. Phần vì được nghỉ học, phần vì cha mẹ bận rộn nên không có thời gian chơi cùng con… Đến chúc Tết nhau, không lạ gì cảnh mỗi đứa trẻ cầm một máy để chơi.

Bên cạnh những lợi ích, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng.

Cụ thể là mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối, nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp. Thậm chí, trẻ có thể đối mặt với các thông tin sai lệch, hay các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Có trường hợp, trẻ bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng…

Chuyên gia Nguyễn Thành Tiến, CEO Công ty Phần mềm thiết bị số hóa Việt Nam cho biết, trên môi trường mạng hiện nay, các công ty bảo mật đã phát hiện nhiều mã độc, phần nhiều là liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em.

Những nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, phụ huynh sẽ chỉ thấy là con đang xem điện thoại, tivi, máy tính... từ đó mà quên mất sự cảnh giác.

Ngoài ra, hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, phản cảm, phản giáo dục gây ra mối nguy hại lớn cho học sinh. Chưa kể đến những dấu hiệu lạm dụng, quấy rối, bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng.

Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, Internet là một phương tiện cung cấp thông tin, giải trí, không thể thiếu trong đời sống, kể cả với trẻ em. Vì thế phụ huynh, người làm giáo dục, những nhà hoạch định chính sách cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Những cái “tặc lưỡi” dễ dàng, những sự kiểm duyệt qua loa về thế giới mạng vô tình sẽ để con mình tiếp cận mỗi ngày với cái xấu mà không hay biết.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận được rất nhiều cuộc gọi của trẻ em và các bậc phụ huynh.

Trong đó, nhiều cha mẹ bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc con em sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập mạng trong thời gian dài. Những năm trước, dịp nghỉ lễ Tết cũng gia tăng mối quan tâm này của cha mẹ với mong muốn nhận được hỗ trợ.

Từ thực tế trên cho thấy, những tác động và ảnh hưởng từ “thế giới ảo” đang ngày càng gia tăng và nguy hiểm. Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên Internet. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn không gian mạng cho trẻ em đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Điều chỉnh thông điệp phù hợp

Đối với phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn. Đồng thời, cần có biện pháp quản lý trong thời gian con em tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet. Ông Đặng Hoa Nam

Bên cạnh việc học tập, vui chơi giải trí trên môi trường Internet cũng đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về đảm bảo an toàn đối với trẻ em. Nhiều người nghĩ thanh thiếu niên hay trẻ em ngày nay đang ở trong thời đại công nghệ nên họ sử dụng những sản phẩm công nghệ thành thạo hơn rất nhiều những lớp người đi trước.

Thật vậy, đến ngay cả một đứa trẻ cũng có thể sử dụng điện thoại và máy tính bảng nhanh hơn cả người lớn. Tuy nhiên, để tham gia môi trường mạng an toàn, các em cần phải được học cách lên mạng trực tuyến cũng như biết cách xử lý khi phát sinh vấn đề.

“Ngay từ nhỏ, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em có thể tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em.

Đặc biệt trong những dịp nghỉ lễ dài hay thời điểm giãn cách do dịch bệnh, cha mẹ càng phải kiểm soát chặt thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con”, cô giáo Lê Vân Anh, Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) cho biết.

Theo các chuyên gia, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, nhằm góp phần bảo đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này.

Đó là những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng như cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ. Đồng thời bật tính năng Tìm kiếm An toàn trên trình duyệt. Phụ huynh cũng có thể cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến. Bên cạnh đó, cần che/tắt webcam khi không sử dụng.

Cha mẹ cũng cần tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn như khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh. Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân. Thậm chí, người lớn cần nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi.

Theo cô giáo Lê Vân Anh, việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn. Vì vậy, phụ huynh cần trò chuyện với trẻ rằng nếu có trải nghiệm trên mạng khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi… thì có thể nói chuyện với bố mẹ. Đồng thời, cần chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ, đặc biệt các biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật, bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến.

“Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau. Vì vậy cần điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm riêng của con mình. Dịp nghỉ lễ, thay vì quẳng cho con máy tính, điện thoại, hãy cùng con bận rộn với trang trí nhà, đi thăm họ hàng hay vào bếp nấu những món ăn ngon” – cô Vân Anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ