Nên giáo dục kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho trẻ từ tuổi nào?

GD&TĐ - Một trong những vấn đề quan trọng, cần ưu tiên sớm trong giáo dục trẻ chính là kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Với công việc này, các bậc cha mẹ hãy bắt đầu ngay khi trẻ trong độ tuổi mầm non.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Những bài học thiết thực đầu đời

Đối với nhiều gia đình, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ luôn được coi trọng. Các bậc cha mẹ cho rằng, dạy trẻ biết giữ an toàn cho bản thân khi không có sự trợ giúp chính là một phần của việc rèn cho trẻ tính tự lập và chủ động đối với các tình huống gặp phải.

Chị Vân Anh (đường Phạm Ngũ Lão – TP Huế) kể, vợ chồng chị có 3 cậu con trai. Với đặc tính giới, các con đều rất hiếu động và tò mò với mọi thứ mới mẻ. Tuy nhiên, thay vì lo sợ con gặp nguy hiểm, vợ chồng chị cho con làm quen với những thứ vật dụng được gắn mác “cấm kị với trẻ nhỏ” từ rất sớm. Từ 2 – 3 tuổi, các con được làm quen với mô hình, đồ chơi. Ở khoảng tuổi lên 5, chị cho các con thực hành và trải nghiệm. Bởi vậy, khi bắt đầu vào tiểu học, các bé đã thoải mái sử dụng dao, kéo, tự chơi các trò ở các khu vui chơi hay sang đường,… mà không cần sự hỗ trợ của người lớn.

“Vợ chồng tôi đều làm bác sĩ. Bản thân tôi làm về Nhi khoa nên đã từng chứng kiến không ít những tai nạn đáng tiếc đối với trẻ. Phần lớn trong số đó do con thiếu kỹ năng và cha mẹ bất cẩn. Những tai nạn kiểu như trẻ nghịch dao, kéo hay ngồi ghế đầu khi đi ô tô cùng bố mẹ,… thể hiện rõ điều này. Trước khi cho con trải nghiệm những bài thực hành, cha mẹ cần thường xuyên chỉ dạy cho trẻ về mặt lý thuyết, về những nguy cơ mất an toàn nếu con không tuân thủ các quy tắc hoặc thiếu kỹ năng” – chị Vân Anh nhấn mạnh.

Thực trạng về tai nạn thương tích, xâm hại, bắt cóc,… khiến việc bảo vệ trẻ em trở nên ngày càng bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội. Điều quan trọng nhất là tại gia đình, các bậc cha mẹ nên dành quan tâm giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ từ nhỏ, để xây dựng cho trẻ sự chủ động trong môi trường an toàn, lành mạnh,…

Khi trẻ không được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng sẽ thụ động, không biết cách ứng phó trong các tình huống nguy cấp, không biết tự bảo vệ bản thân. Thậm chí, không biết các tìm kiếm sự giúp đỡ một cách hiệu quả nhất. Những điều này sẽ để lại hệ luỵ nghiêm trọng và đáng tiếc cho trẻ.

Theo bà Nguyễn Kiều Linh – chuyên gia giáo dục trẻ em (Công ty FCE Việt Nam): “Những bài học kỹ năng từ gia đình là nền tảng cơ bản. Nó không chỉ quan trọng với trẻ mầm non mà tuỳ theo độ tuổi, cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ những kiến thức cần thiết để con luôn chủ động trước các tình huống gặp phải. Một điều thú vị là, khi trẻ được dạy về kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân, cùng lúc chúng cũng học được cách bảo vệ người khác và tính độc lập, chủ động trong cách giải quyết các vấn đề”.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Dạy kỹ năng kiểu … mưa dầm

Theo ThS giáo dục Đào Thuý Nga – Trung tâm đào tạo kỹ năng Cá Siêu Quậy: Có một số kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho bản thân mà cha mẹ nhất thiết phải trang bị cho trẻ ngay từ tuổi mầm non.

Cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ trước người lạ. “Tuyệt đối không được đi theo hay nhận đồ của bất kì người lạ nào” là câu các mẹ nên lặp lại nhiều lần để trẻ khắc ghi. Cùng đó, hãy cho trẻ tham gia vào các tình huống giả định. Bố mẹ đóng giả làm người lạ, cho bé kẹo bánh và hỏi bé đi … không. Hay cho bé tình huống có người lạ đến và nói sẽ dẫn bé đến chỗ mẹ. Đồng thời, cũng nên chỉ cho bé những người có thể nhờ giúp đỡ như chú bảo vệ, chú công an,.. 

Mẹ nên tập cho trẻ gọi tên các bộ phận cơ thể và nói về chúng từ rất sớm. Ít nhất dạy con những từ ngữ và tầm quan trọng của các bộ phận đặc biệt. Hãy nói với con về một vài bộ phận trên cơ thể không được để người khác nhìn thấy. Đừng quên nhấn mạnh, ngoại trừ bố mẹ khi giúp trẻ tắm rửa hay bác sĩ khi thăm khám cho trẻ, còn lại không ai được tùy tiện chạm vào cơ thể, đặc biệt là những vùng nhạy cảm..

Kiến thức an toàn giao thông cũng là kỹ năng quan trọng đối với trẻ khi tham gia vào xã hội. Cha mẹ nên giúp con hiểu được một số loại biển báo cơ bản, một số loại đường cơ bản, các quy tắc trên đường. Đặc biệt, giúp trẻ nhận biết và tránh các nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Thiết thực nhất bằng việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi tên xe gắn máy, xe đạp. Thắt dây an toàn và không ngồi cùng người lái hay ngồi ghế trước ô tô.

Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ rất cần trang bị cho trẻ. Cha mẹ hãy chỉ con những người tốt mà con có thể nhờ giúp bằng cách giới thiệu và chỉ con về hình ảnh chú công an trên đường về nhà mỗi ngày, chú bảo vệ,…

Trong trường hợp bị lạc người thân ở nơi đông người, những kiến thức ứng xử cần thiết cho trẻ là: Con nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa con về con nên làm gì? Cha mẹ nên dạy con ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà để trẻ có thể báo cho bộ phận quản lý nơi đó. Cách tốt nhất, nên cho trẻ mang theo mảnh giấy ghi thông tin liên lạc của bố mẹ trong trường hợp khẩn cấp.

Để đạt hiệu quả cao trong việc giáo dục trẻ về kỹ năng tự bảo vệ an toàn, chuyên gia Trịnh Trọng Dương (Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success) lưu ý các bậc cha mẹ: Với các nguy cơ mất an toàn, cha mẹ hãy nói và thực hành giả định thường xuyên cùng con. Nói chuyện là cách đơn giản để gắn kết tình cảm bố mẹ và con cái, đồng thời giúp con tự tin hơn. Bố mẹ cũng hiểu về cách nhìn nhận vấn đề của con mình. Từ đó, đưa ra được những cách dạy, phương pháp phù hợp với trẻ.

Hãy tạo niềm tin ở con một cách tự nhiên. Nói chuyện với con hàng ngày sẽ tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ những chuyện bé gặp được sớm nhất. Đây là thông tin tốt để bố mẹ biết xung quanh trẻ đang có các đối tượng nguy cơ nào. Và khi phát hiện trẻ gặp vấn đề gì, bố mẹ có thể giải quyết ngay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.