Sự sụp đổ của slogan 'Bắc cực cao, căng thẳng thấp'

GD&TĐ - Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và NATO ở Bắc Cực đã đánh dấu sự sụp đổ của slogan nổi tiếng: “Bắc cực cao, căng thẳng thấp”.

Sự sụp đổ của slogan 'Bắc cực cao, căng thẳng thấp'

Nhận thức được sự chậm trễ của mình so với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, trong thời gian gần đây Mỹ cũng đã tập trung sự chú ý vào khu vực này. Tuy nhiên, Nga cũng đã có sự điều chỉnh chiến lược theo hướng đặt lợi ích quốc gia lên trên sự hợp tác trong các cơ cấu quốc tế.

Mỹ và NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực

Sự sẵn sàng của Mỹ trước bất kỳ tình huống nào hiện đang phụ thuộc lớn vào quan hệ đối tác với các nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong thời gian qua, khối này đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngày càng thường xuyên hơn ở vùng Cực.

Chẳng hạn, cuộc tập trận “Formidable Shield”, khởi động vào ngày 8/5, sẽ có sự tham gia của 4.000 nhân viên ở vùng biển bên ngoài khơi đảo Andøya của Na Uy. Cuộc diễn tập liên hợp sẽ diễn ra một loạt các sự kiện bắn đạn thật chống lại các mục tiêu giả định mô phỏng tên lửa cận âm, siêu âm và đạn đạo.

Cuộc tập dượt này trong bối cảnh trước đó Lực lượng Hải quân và Không quân Nga đã phóng các loại tên lửa hành trình và đạn đạo này trong một số cuộc huấn luyện ở khu vực Biển Barents và Biển Trắng trong những năm gần đây.

Theo Đại úy Jon Lipps, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm CTF-64 (Nhóm Đặc nhiệm Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Tích hợp), các quốc gia đồng minh và đối tác của NATO sử dụng các công nghệ và khả năng tiên tiến nhất trên thế giới và các cuộc diễn tập bắn đạn thật như “Formidable Shield” cung cấp một địa điểm lý tưởng ở Bắc Cực để tích hợp và hoàn thiện các khả năng này trên tất cả các lĩnh vực.

Về phần người Mỹ, ngoài việc chuẩn bị trong khuôn khổ hoạt động của NATO, Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ đã gửi một trong những máy bay E-6B Mercury của họ tới Iceland vào cuối tháng 2 năm 2023.

Thường được gọi là “máy bay ngày tận thế”, nó được thiết kế để phục vụ như một trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Hải quân Hoa Kỳ, cho phép liên lạc an toàn với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của họ. Trong trường hợp khẩn cấp, máy bay có thể được sử dụng làm sở chỉ huy cho Tổng thống, người có thể cho phép phóng vũ khí hạt nhân.

E-6B Mercury rất khó bị radar phát hiện và có khả năng sinh tồn rất cao, vì vậy việc điều chiếc máy bay này tới Bắc Cực là một tín hiệu rõ ràng về việc Mỹ sẽ không đứng yên để Nga độc chiếm Bắc Cực.

Được biết, một tín hiệu tương tự đã được gửi đi vào đầu tháng 3 “khi Không quân Mỹ cử máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới tuần tra Vịnh Phần Lan".

Việc siêu pháo đài bay Mỹ tiếp cận trong phạm vi 200 km tới St. Petersburg cũng là chỉ dấu cho thấy Mỹ sẽ không để mặc cho Nga một mình nắm quyền kiểm soát vùng đất lạnh giá dồi dào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, vẫn chưa được thăm dò và khai thác.

Mỹ muốn đưa Nga ra khỏi Hội Đồng Bắc Cực?

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm phức tạp thêm cuộc chạy đua đến Bắc Cực, vốn có thể kiểm soát được dưới sự điều hành của Hội đồng Bắc Cực. Nó cũng được nhìn nhận là một cơ hội lớn để Washington loại bỏ những ưu thế mà Moscow đã thiết lập từ trước đến nay.

Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996, bao gồm các thành viên là: Đan Mạch, Canada, Na Uy, Mỹ, Nga, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland. Cho đến trước năm 2022, cơ cấu quản lý Bắc Cực đã hoạt động tốt, giải quyết tốt các vấn đề biên giới giữa Nga và các nước khác.

Hội đồng cũng được đánh dấu bởi sự hợp tác giữa các thành viên nhằm khai thác hòa bình các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng.

Một tài liệu chính sách được xuất bản vào tháng 3 năm 2020 đã kêu gọi “tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các quốc gia Bắc Cực” trong hợp tác kinh tế, khoa học, văn hóa và xuyên biên giới. Và khi Nga đảm nhận chức Chủ tịch của Hội đồng Bắc Cực nhiệm kỳ 2021-2023, không ai phản đối.

Tuy nhiên, vào ngày 3/3/2022, chỉ 10 ngày sau khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, bảy thành viên phương Tây trong Hội đồng Bắc Cực đã tuyên bố tạm dừng tham gia tất cả các cuộc họp của Hội đồng đang do Nga nắm quyền Chủ tịch luân phiên.

Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng, việc Nga quyết định mở chiến dịch đặc biệt "khiến cho việc hợp tác (giữa các thành viên của Hội đồng Bắc Cực) hầu như không thể xảy ra trong tương lai gần”.

Nói cách khác, Mỹ hiện nay đang muốn Hội đồng Bắc Cực làm việc mà không có Nga, cũng tương tự như cách mà phương Tây đã loại Nga ra khỏi định dạng G8 (hay còn gọi là “G7+1”), sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014.

Sau đó, Nga cũng tuyên bố không cần thiết phải tham gia G8, một định dạng mà Moscow cho rằng, không phải là một tổ chức quốc tế, mà chỉ là một “câu lạc bộ không chính thức”.

Đối với Hội Đồng Bắc Cực, Nga cũng có cách hành xử tương tự như sự việc rời khỏi G8, tức là “người không cần, ta cũng không thiết tha” và độc lập tiến hành các chính sách của mình.

Nga cũng sửa đổi chính sách Bắc Cực

Trong bối cảnh bị phương Tây loại dần khỏi các cơ cấu quốc tế, Nga cũng buộc phải có sự điều chỉnh trong các chiến lược và chính sách quốc gia và dĩ nhiên, Bắc Cực cũng không phải là ngoại lệ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Moscow đã tuyên bố sửa đổi chiến lược Bắc Cực, mà nước này mới đưa ra vào tháng 3 năm 2020, theo hướng trái ngược hoàn toàn với định hướng ban đầu.

Nội dung chính của chiến lược 2020 hướng tới tôn chỉ “tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp với các quốc gia Bắc Cực” trong hợp tác kinh tế, khoa học, văn hóa và các vấn đề xuyên biên giới.

Vào ngày 21/02 năm nay - gần 1 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt và bị phương Tây cô lập trong Hội đồng Bắc Cực, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra sắc lệnh sửa đổi chiến lược, bằng cách xóa bỏ các tài liệu tham khảo trước đó về các định dạng hợp tác khu vực, đa phương…, như Hội đồng Bắc Cực.

Tài liệu sửa đổi hiện nay đặt lợi ích quốc gia của Nga ở Bắc Cực lên trước việc hướng tới hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hóa với các quốc gia khác. Tài liệu chỉ rõ, bất kỳ sự hợp tác nào giữa Nga với các quốc gia khác được thực hiện trong giai đoạn hiện nay sẽ dựa trên cơ sở quan hệ hợp tác song phương.

Đáng chú ý, sự thay đổi trong chính sách Bắc Cực được Moscow công bố trong cùng tuần Nga tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) với Mỹ.

Vào thời điểm NATO tiến hành diễn tập “Formidable Shield”, có báo cáo về việc 7 tàu chiến Nga đã có mặt trong khu vực để giám sát các hoạt động của NATO. Các tàu chiến bao gồm tàu ​​khu trục “Phó đô đốc Kulakov”, bốn tàu hộ tống, tàu chở dầu “Kama” và tàu khu trục “Đô đốc Grigorovich”.

Ngoài ra, máy bay giám sát hàng hải Tu-142 đang thực hiện các chuyến bay về phía nam tới Biển Bắc, từ một căn cứ không quân trên Bán đảo Kola, nhằm giám sát chặt chẽ những động thái của NATO.

Có thể nói rằng, sự cạnh tranh mới giữa Nga với Mỹ và NATO ở Bắc Cực đã đánh dấu bước ngoặt mới trong cục diện cạnh tranh ở Bắc Cực, đánh dấu sự sụp đổ của Slogan nổi tiếng, mà các quốc gia Bắc Cực, đặc biệt là Na Uy, luôn tự hào nhấn mạnh: “Bắc cực cao, căng thẳng thấp” (“High North, Low Tension”).

Theo các chuyên gia, bây giờ, câu slogan này có vẻ như sẽ phải đổi lại thành: “Bắc Cực cao, căng thẳng cũng cao” (“High North, High Tension”).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ