Trong giai đoạn triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước yêu cầu mới, vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Không chỉ gánh vác sứ mệnh của một nhà giáo dục, chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức, giáo viên còn có vai trò là người hỗ trợ cho học sinh và đồng nghiệp; là người cố vấn; nhà nghiên cứu giáo dục và người học tập suốt đời.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng; đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo. Cùng với đó, có nhiều chính sách nhằm đãi ngộ, động viên, tôn vinh đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, sự quan tâm tới giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tạo động lực để thầy cô yên tâm gắn bó với nghề, thiết nghĩ việc đầu tiên cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước: “Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, thực hiện mục tiêu “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”.
Cần thống nhất nhận thức việc chăm lo, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các giải pháp xây dựng, phát triển nhà giáo phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, làm cho xã hội, phụ huynh học sinh thấu hiểu, chia sẻ với đặc thù lao động của nhà giáo; từ đó có thái độ ủng hộ, hỗ trợ nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ giáo dục cao cả nhưng cũng rất nặng nề.
Bên cạnh các chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... phù hợp với đặc thù lao động, để tạo động lực cho đội ngũ, rất cần sự quan tâm đến điều kiện cơ sở vật chất và môi trường làm việc tại mỗi nhà trường. Cần xây dựng môi trường văn hóa học đường thực sự mô phạm, dân chủ, văn minh, thân thiện và sáng tạo, tạo điều kiện để nhà giáo phát huy năng lực, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Dạy học là nghề cao quý, rất cần sự cống hiến, nỗ lực, tận tụy, có đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, tình yêu với học trò “tất cả vì học sinh thân yêu” của mỗi thầy cô giáo. Mỗi người thầy không thể thiếu nỗ lực tự học, tự hoàn thiện, nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm để có thể đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới. Nghề dạy học, bên cạnh chuyên môn, sự tận tụy, yêu nghề, yêu trẻ, tôn trọng người học… còn gắn với những phẩm chất nhất định về tri thức, về thái độ, về tình cảm, về đạo đức…
Mong rằng các nhà giáo đang công tác trong ngành nhận thức đầy đủ sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của “người thầy”. Từ đó, dành hết tâm huyết, trí tuệ và tình cảm cho công việc của mình. Có lẽ không niềm vui nào lớn lao bằng chứng kiến mỗi học trò trưởng thành. Đó cũng chính là phần thưởng cao quý nhất, để mỗi nhà giáo thêm tự tin, tự hào vào nghề dạy học vinh quang và nhiều thử thách.