Sứ mệnh nào cho nhiệm kỳ 9 Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong lịch sử, các kỳ đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam luôn diễn ra hết sức nóng bỏng. 

Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 cách đây 4 năm.
Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 cách đây 4 năm.

Nhưng lần này, cuộc đua đến các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 9 được dự báo “êm ả và sòng phẳng”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 9 được bầu ra vào đúng thời điểm giao thoa giữa 2 giai đoạn phát triển, và điều đó khiến những người lãnh đạo khóa tới sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách khó khăn hơn.

Nóng và lạnh!

Tại Đại hội VFF khóa 8 (2018 - 2022) đã bầu ông Lê Khánh Hải làm Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch là các ông: Trần Quốc Tuấn, Cấn Văn Nghĩa và Cao Văn Chóng. 6 tháng sau Đại hội, ông Cấn Văn Nghĩa đã xin từ chức vì lý do cá nhân. Tại Đại hội thường niên VFF 2020 diễn ra tại Hà Nội đã bầu ông Lê Văn Thành giữ chức Phó Chủ tịch thay ông Cấn Văn Nghĩa phụ trách mảng tài chính và vận động tài trợ. Tại Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam năm 2021 đã nhất trí thông qua việc ông Lê Khánh Hải thôi chức Chủ tịch, đồng thời thông qua việc ông Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức công bố danh sách sơ bộ ứng viên được các tổ chức thành viên giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt và Ban chấp hành nhiệm kỳ 9.

Theo đó, Đại hội 9 VFF được tổ chức ngày 6/11, sẽ bầu ra 17 thành viên Ban chấp hành, bao gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực tài chính - tài trợ, truyền thông - đối ngoại, chuyên môn và 13 ủy viên.

Đúng như thông tin đồn đoán từ cuối tháng 8, vị trí Chủ tịch chỉ có 1 ứng viên duy nhất là quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Trong 2 nhiệm kỳ gần nhất của VFF là khóa VII và VIII, ông Tuấn đều đảm đương trọng trách Phó Chủ tịch thường trực và quyền Chủ tịch.

Và đây cũng là giai đoạn thành công nhất của bóng đá Việt Nam trong lịch sử, như ngôi Á quân U23 châu Á 2018, bán kết Asian Games 2018, vô địch AFF Cup 2018, vô địch SEA Games 2019 và 2021, đoạt vé tham dự World Cup U20 năm 2017 và World Cup nữ 2023, đội tuyển nam quốc gia lọt vào vòng loại cuối cùng khu vực châu Á tranh vé đi World Cup 2022…

Bên cạnh đó, VFF có đại diện trong các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), qua đó nâng cao dần vị thế bóng đá Việt Nam. Ở VFF, ông Tuấn là người được đánh giá cao nhất về chuyên môn.

Đáng chú ý, quyền Chủ tịch VFF được AFC bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban Thi đấu AFC. Vì vậy, nếu không có gì bất thường, xuất hiện nhân tố X từ cấp trên theo ngành dọc ấn xuống hoặc có ứng cử viên nặng ký nào đó được bổ sung vào phút chót thì vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 9 gần như được định đoạt.

Không như ông Tuấn đang ở thế “một mình về đích”, cuộc đua đến vị trí Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 9 được dự báo căng thẳng và khó lường, với 13 ứng viên lộ diện đua đến 3 vị trí “giúp việc” cho Chủ tịch VFF, và còn cả những người lúc này chưa phải là ứng viên, song khi lộ diện luôn có “vũ khí bất ngờ”.

Trong đó, vị trí Phó Chủ tịch tài chính được coi nóng nhất, mức độ cạnh tranh quyết liệt nhất. Điều đó khiến các tổ chức thành viên VFF phải nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi quyết định bỏ phiếu cho ai.

Vị trí phó “quyền lực” nhất có 3 ứng viên, gồm ông Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1983 - Tổng Giám đốc Next Media - một đơn vị gắn liền với nhiều hoạt động bóng đá Việt Nam các năm qua; Phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ 8 Lê Văn Thành (sinh năm 1959) và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ủy viên Thường trực VFF nhiệm kỳ 8, ông Trần Anh Tú (sinh năm 1963).

Truyền thông Việt Nam trong những ngày cuối tháng 9, thời điểm sát đại hội đã có những đánh giá, phân tích theo những góc riêng của mình.

Đương kim Phó Chủ tịch Lê Văn Thành được cho là không tạo được nhiều dấu ấn sau khi trúng cử trong cuộc đua bổ sung khi người tiền nhiệm Cấn Văn Nghĩa xin rút. Giới bóng đá bình luận ông Thành may mắn vì trong cuộc đua năm đó không có đối thủ vượt trội hơn.

Theo đánh giá khác, dù ai ngồi vào vị trí Phó tài chính cũng khó có thể mang đến sự đột phá bởi hầu hết các ứng viên đều là những gương mặt cũ của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, trong danh sách hiện nay không có bất cứ doanh nhân “cỡ bự” nào tham gia ứng cử vị trí quan trọng là Phó Chủ tịch tài chính.

Giới bóng đá từng kỳ vọng sẽ có các doanh nhân tầm cỡ như ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), Nguyễn Đình Trung (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh), Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch Tập đoàn T&T)... đồng ý tham gia ứng cử vị trí Phó Chủ tịch tài chính nhưng điều đó đã không xảy ra.

Ẩn số cho chiếc ghế Phó tài chính còn phụ thuộc vào thái độ của ứng viên Trần Anh Tú và mức độ “quyết liệt” của Tổng Giám đốc Next Media. Sở dĩ như vậy là bởi ông Tú còn được một số thành viên tín nhiệm ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.

Vị trí này đòi hỏi các ứng viên phải là người có uy tín trong giới chuyên môn, trong những người hoạt động nghề nghiệp về bóng đá, am hiểu sâu sắc về chuyên môn bóng đá, có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động bóng đá ở tầm vĩ mô (theo đề án nhân sự VFF khóa 9).

Ngoài ông Tú, vị trí Phó chuyên môn còn có 4 người khác được tiến cử gồm quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, cựu Phó Tổng Thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi; cựu Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn và huấn luyện viên Vũ Tiến Thành, hiện đứng danh Chủ tịch câu lạc bộ Phố Hiến (ông Thành đã xin rút khỏi danh sách ứng cử, P.V).

Tuy nhiên, vì đã được đề cử chức danh Chủ tịch VFF khóa 9 nên ông Tuấn sẽ chỉ ứng cử vào chức vụ này và không xác nhận ra ứng cử chức Phó Chủ tịch chuyên môn như danh sách đề cử trước đó.

Trong số 3 ứng viên còn lại, ông Viễn (sinh năm 1950) cũng được đánh giá cao về trình độ. Hiện, ông là Trưởng ban cấp phép VFF, thành viên Ban chiến lược VFF, ủy viên Ban cấp phép Liên đoàn Bóng đá châu Á. Ông Khôi, trợ lý quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. Về chuyên môn, ông Tú không thể sánh với ông Viễn và ông Khôi. Vậy nên, ông Tú sẽ dồn lực đua đến vị trí Phó chuyên môn hay Phó tài chính?

Ở vị trí Phó Chủ tịch truyền thông - đối ngoại có 5 ứng viên được đề cử là: Lê Hoài Anh (Tổng Thư ký VFF khóa 8), Cao Văn Chóng (Phó Chủ tịch truyền thông VFF khóa 8, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Dương), Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T), Nguyễn Thị Hoàng Phương (Phó Tổng Giám đốc VTVcab), Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Phù Đổng).

Nền móng nào đến năm… 2050?

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (bên phải) trong một buổi gặp Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (bên phải) trong một buổi gặp Chủ tịch FIFA Gianni Infantino.

Ngoài các tiêu chuẩn của ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch VFF phải đáp ứng các tiêu chí sau: Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam; am hiểu sâu sắc về bóng đá; có tư duy ở tầm chiến lược; có tư tưởng cải cách, đổi mới hoạt động của LĐBĐVN phù hợp với tình hình mới; có kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại; có kinh nghiệm quản lý, chỉ đạo, tổ chức điều hành các cơ quan, tổ chức lớn; có uy tín trong xã hội và trong giới chuyên môn; có khả năng tập hợp, quy tụ và phát huy năng lực của các ủy viên Ban chấp hành, các tổ chức thành viên để phát triển bóng đá Việt Nam.

Vào cuối năm 2021, Bộ VH-TT&DL đã gửi công văn đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị góp ý cho dự thảo “Chiến lược phát triển TDTT VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trong đó, với đội tuyển nữ quốc gia, mục tiêu là sẽ phải đứng trong top 6 quốc gia hàng đầu châu Á vào năm 2030. Cả đội bóng đá nam, nữ phải duy trì vị trí tốp đầu tại các kỳ SEA Games và giải vô địch Đông Nam Á. Tham vọng của Chiến lược là đến năm 2050, đội tuyển nam Việt Nam phải đứng trong nhóm 8 quốc gia mạnh nhất châu Á.

Trước đó, vào năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ban hành Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cho đến nay, trong số 5 mục tiêu chính của giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2020, VFF đã hoàn thành xuất sắc về thành tích của các đội tuyển, thậm chí còn vượt chỉ tiêu.

Chiến lược yêu cầu đội tuyển nam vô địch Đông Nam Á, đội U22 giành Huy chương Vàng SEA Games thì cả hai đội đều đã đạt thành tích. Bên cạnh đó, bóng đá nam đã đứng trong top 14 châu Á, bóng đá nữ hạng 6 châu Á.

Mặc dù vậy, một số chỉ tiêu chưa được thực thi hoặc chưa hiệu quả như yêu cầu đặt ra. Chiến lược ghi rõ, từ năm 2012 - 2020, Việt Nam xây dựng và hoàn thiện 3 học viện bóng đá tầm cỡ tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng; áp dụng đại trà phương thức huấn luyện, quản lý bóng đá hiện đại, có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ - y học thể thao; xây dựng dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho bóng đá Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bóng đá Việt Nam và thí điểm chương trình bóng đá học đường.

VFF cho rằng, nhiều địa phương coi bóng đá chuyên nghiệp là việc của doanh nghiệp, của các ông chủ nên chưa quan tâm hỗ trợ. Các quy định, chính sách quản lý và khuyến khích hoạt động bóng đá còn thiếu, chưa đồng bộ.

Bệnh thành tích, coi trọng kết quả ngắn hạn, chưa chú ý tới việc thực hiện các mục tiêu dài hạn còn phổ biến trong đội ngũ những người làm công tác bóng đá và quản lý bóng đá tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, sân bãi và nguồn lực tài chính trong đào tạo bóng đá trẻ.

Trong một hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra rất nhiều vấn đề mang tính nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, trong đó có bóng đá học đường.

“Bóng đá học đường thì Bộ GD&ĐT tôi chỉ đạo rồi, các đồng chí ấy cũng rất sẵn sàng. Mà sao tôi không thấy kiến nghị mạnh mẽ xem bộ quản lý thế nào, sở thì thế nào, VFF thì thế nào. Đối với chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, cần đánh giá đã làm được tới đâu, trách nhiệm cụ thể của ai. Báo cáo đọc rất dài nhưng tôi không thấy kiến nghị nào mạnh mẽ nói về bản thân Bộ VH-TT&DL, Liên đoàn Bóng đá quản lý thế nào…” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra và đến giờ còn nguyên tính thời sự. Tại sao ở mình giải vô địch quốc gia lại theo mô hình “tháp ngược”, đội vô địch lại không đủ điều kiện đá giải châu Á, như vậy có đúng thông lệ quốc tế không hay Việt Nam tự cho mình quyền tự làm khác.

Ban tổ chức các giải bóng đá như V-League đã tốt chưa? Còn hiện tượng nhường điểm, chia điểm không? Bạo lực sân cỏ tại sao còn tiếp diễn. Phải chăng là bóng đá trẻ, bóng đá phong trào, hay trọng tâm là bộ máy LĐBĐ Việt Nam, là giải chuyên nghiệp? Chỗ nào làm tốt rồi, chỗ nào còn yếu?

Vậy nên, sau giai đoạn bóng đá Việt Nam thăng hoa, gắn với triều đại của huấn luyện viên Park Hang Seo, rõ ràng nhiệm kỳ 9 VFF sẽ có trọng trách xây dựng nền móng mới cho những mục tiêu ở một tầm rất cao cho bóng đá Việt Nam.

Những mục tiêu thuộc tầm nhìn năm 2050 thành hay bại phụ thuộc rất lớn vào chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam do nhiệm kỳ 9 VFF đặt ra, mà trong đó có những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, như đội U23 đua tranh sòng phẳng đến Olympic Paris 2024, đặc biệt đội bóng đá nam giành vé dự World Cup 2026 khi giải đấu lớn nhất hành tinh được tăng lên 48 đội.

Đại hội VFF sẽ diễn ra vào ngày 6/11, tại Hà Nội. Đại diện 74 tổ chức thành viên sẽ bỏ phiếu bầu trực tiếp 17 ủy viên Ban chấp hành. Sau đó là bầu các chức danh chủ chốt gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch.

Theo Điều lệ hoạt động VFF bổ sung sửa đổi năm 2021, việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên Ban chấp hành VFF được thực hiện trực tiếp tại Đại hội VFF bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trong trường hợp chỉ có 1 ứng viên cho chức danh Chủ tịch, đại hội sẽ quyết định bằng hình thức giơ thẻ. Ứng viên trúng cử chức danh Chủ tịch phải đạt 1/2 số thẻ đồng ý. Đại hội sẽ diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của FIFA, đặc biệt gồm khâu bỏ phiếu và kiểm phiếu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.