Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia tay GĐKT Jurgen Gede: 20 năm đi tìm “kiến trúc sư”

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia tay GĐKT Jurgen Gede: 20 năm đi tìm “kiến trúc sư”

Không có đất diễn?

Năm 2016, sau nhiều năm bỏ trống và không có kế hoạch sử dụng, VFF đã bổ nhiệm ông Jurgen Gede vào vị trí GĐKT. Chuyên gia người Đức đã có 2 nhiệm kỳ, kéo dài 4 năm với bóng đá Việt Nam cùng mức lương cứng 8.000 USD/tháng sau thuế. Mặc dù gánh trên vai trọng trách và sự kỳ vọng rất lớn từ VFF, song GĐKT Jurgen Gede không để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt trong vai trò kiến trúc sư cho cả một nền bóng đá có tiềm lực, khao khát vươn lên như Việt Nam. Điểm nhấn xuyên suốt 2 nhiệm kỳ của ông là công tác tham mưu giúp HLV Hoàng Anh Tuấn đưa U19 Việt Nam vào bán kết giải U19 châu Á 2016, đồng thời giành tấm vé tham dự VCK U20 thế giới một năm sau đó.

Cứ ngỡ cú “chạy đà” ấn tượng ngay năm đầu tiên của chuyên gia người Đức sẽ mang đến sự thay đổi mạnh mẽ cho bóng đá Việt Nam, vốn rất cần những chiến lược phát triển bài bản, đặc biệt với các đội tuyển quốc gia với xương sống là đào tạo trẻ. Thế nhưng, đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng sau đó, ông Gede gần như không có tiếng nói. Vai trò của một GĐKT Gede còn nhạt nhòa hơn kể khi chiến lược gia người Hàn Quốc Park Hang Seo. Hơn 2 năm qua, hầu như GĐKT Gede chỉ còn theo dõi các giải đấu trẻ giống một tuyển trạch viên, đồng thời đề cử cầu thủ tiềm năng với phòng đội tuyển, HLV Park Hang Seo.

Vai trò xây dựng, định hướng cho bóng đá Việt Nam từ nền móng là các giải trẻ về lối chơi, đồng bộ hệ thống đào tạo - việc mà một GĐKT cần phải làm rốt cuộc ông Gede không có cơ hội phát huy để rồi một cuộc chia li giải thoát cho cả 2 là quyết định cần thiết, song vẫn để lại nhiều dư vị không dễ chịu chút nào. VFF đã tiêu tốn thời gian hơn 4 năm và tiền bạc để rồi vị trí GĐKT vẫn cứ là điểm nóng, trong khi chiến lược gia người Đức ấm ức ra đi trong đồn đoán không hòa hợp với HLV Park Hang Seo.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia tay GĐKT Jurgen Gede: 20 năm đi tìm “kiến trúc sư” ảnh 1
Để vị trí GĐKT thành công cần có sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo VFF.

Vấn đề nằm ở… cơ chế

Thất bại trong vai trò GĐKT của ông Gede không phải là bất ngờ. Dường như ở đây nguyên nhân không nằm ở yếu tố chuyên môn. Nên nhớ Gede là người có bằng cấp, dày dạn kinh nghiệm, hiểu biết sau nhiều năm lăn lộn với bóng đá châu Á. Nó chỉ là sự nối dài cho vấn đề tìm kiếm và sử dụng vị trí GĐKT của VFF trong vai trò ngưởi sử dụng lao động kéo dài 2 thập kỷ qua.

Ngược dòng lịch sử, 20 năm trước bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chập chững lên chuyên nghiệp từng có một GĐKT khá tên tuổi là Rainer Willfeld. Ông Willfeld giữ chức GĐKT của VFF theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đức. Khoản lương 5.000 USD/tháng của ông do LĐBĐ Đức và một công ty Đức chi trả. Phía Việt Nam chỉ cung cấp các khoản phụ cấp sinh hoạt.

Nhưng trong hơn 4 năm làm việc tại Việt Nam, vị chuyên gia có bằng HLV cao cấp của Đức này gần như không được VFF giao cho một nhiệm vụ nào thực sự quan trọng. Thay vì đảm nhiệm công việc của một kiến trúc sư trưởng, hoạch định chiến lược phát triển của bóng đá Việt Nam đúng chức năng của một GĐKT, ông Rainer Willfeld chỉ được làm công việc của một giáo viên ở một số lớp dành cho HLV, thậm chí còn huấn luyện các đội trẻ và đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, cố vấn cho đội tuyển nam. Chức danh GĐKT khi đó của VFF được truyền thông đánh giá “hữu danh vô thực”, trong đó có ý chê trách VFF không coi trọng vị trí kiến trúc sư của cả một nền bóng đá.

“Hình như tôi đã đến Việt Nam quá sớm nên những điều tôi mang đến lúc đó các quan chức VFF chưa sẵn sàng đón nhận. Tôi không có ý định phê phán ai cả. Tôi không được tham khảo ý kiến về HLV ngoại hay các công việc quan trọng khác vì ở Việt Nam tôi chỉ là cố vấn, còn ở Đức tôi mới có quyền quyết định. Nhiệm vụ của tôi là hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam trong tương lai chứ không phải để đội tuyển thắng một, hai trận. Có những điều tôi đã đóng góp thì VFF không muốn hiểu hoặc hiểu mà không làm. Công việc của tôi suốt hơn bốn năm qua với bóng đá Việt Nam đúng là thăng trầm và đã đến lúc tôi phải quay về Đức” - chuyên gia Rainer Willfeld phát biểu trước khi về nước.

Sau khi ông Rainer Willfeld trở về Đức, năm 2004, VFF cũng “khai tử” luôn chức danh này cho đến khi một người Đức khác đến Việt Nam, ông Jurgen Gede. Tuy nhiên, vấn đề của hơn một thập kỷ trước đó là VFF cần phải biết phát huy chất xám của vị GĐKT, tạo điều kiện và đất dụng võ cho vị trí này, chứ không phải đơn thuần là dựng lại một cái ghế và tìm người ngồi vào chiếc ghế đó vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến năm 2020 mà kết quả là sự ra đi của Jurgen Gede trong tâm thế của… kẻ bại trận. Theo một số chuyên gia, bóng đá Việt Nam vẫn chưa đạt đến độ chuẩn mực để có thể tiếp tục gắn bó với ông Gede. Với môi trường bóng đá Việt Nam hiện nay, khó tìm một GĐKT theo quy ước của châu Âu.

Trong rất nhiều cuộc họp quan trọng của VFF, vị trí GĐKT luôn được bàn đến và đa số ý kiến đều cho rằng đây là vị trí mà VFF cần phải có. Có nghĩa về nhận thức, VFF đánh giá đúng và chính xác vai trò của một GĐKT. Nhưng từ Rainer Willfeld cho đến Gede, vấn đề đặt ra lúc này không nên tranh luận về việc GĐKT có cần thiết hay không mà phải “mổ xẻ” và giải quyết dứt điểm thực trạng khá nhức nhối xoay quanh sự thất bại của các GĐKT đến với bóng đá Việt Nam. Một vấn đề nữa, một GĐKT giỏi có thể xây dựng, vạch ra lộ trình cho các đội tuyển, song thực tế những ý tưởng đó có được đón nhận và thực hiện? Không trả lời được những câu hỏi này có nghĩa việc cả 2 chuyên gia người Đức lần lượt ra đi là điều tất yếu.

Cũng giống như HLV trưởng một đội bóng, GĐKT cũng cần một đội ngũ giúp việc, đồng cảm và tâm huyết để có thể xây dựng được các chiến lược phù hợp với thực tế. Như ông Park có đến 7 trợ lý đồng hương ở cả đội U23 và đội tuyển Việt Nam, ngoài ra còn ê-kíp hùng hậu các thầy nội. Nhưng từ Willfeld cho đến Gede, các ông thầy người Đức luôn đơn độc, phải làm việc trong môi trường cảm tính đặt trên lý tính. Chẳng hạn Gede được cho là “hợp cạ” với HLV Hoàng Anh Tuấn song lại không có được tiếng nói chung với ông Park Hang Seo. Vậy nên, vào thời điểm hiện tại, một mình ông Gede phải ra đi là quyết định tốt cho rất nhiều người.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chia tay GĐKT Jurgen Gede: 20 năm đi tìm “kiến trúc sư” ảnh 2
GĐKT Gede được cho là không có chung quan điểm xây dựng bóng đá Việt Nam với HLV Park Hang Seo.

Ẩn số Park Hang Seo

Sau khi chia tay ông Gede, VFF được cho là đang lựa chọn ứng cử viên thích hợp để đảm nhiệm vị trí GĐKT. “Trong giai đoạn phát triển mới, VFF sẽ dành sự ưu tiên lớn hơn đối với công tác đào tạo và phát triển bóng đá trẻ. Do vậy, vị trí GĐKT không chỉ là định hướng, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ mà còn phải tham gia vào công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB, đặc biệt là công tác đào tạo lực lượng HLV bóng đá trẻ. Với mục tiêu đó, VFF hướng đến ứng cử viên GĐKT vừa có kinh nghiệm trong phát triển bóng đá trẻ vừa có trình độ giảng dạy các khóa đào tạo huấn luyện viên bóng đá của FIFA hoặc AFC”, ông Lê Hoài Anh cho biết.

Vậy câu hỏi đặt ra, ai ngồi vào chiếc ghế trống mà chuyên gia người Đức để lại, nhất là khi, nếu quy chiếu theo bóng đá chuyên nghiệp thì vị trí này rất quan trọng? Chưa thể trả lời chính xác vào lúc này khi còn có quá nhiều ẩn số. Trong đó, VFF vẫn chưa có những ứng viên nào cụ thể, dường như họ cần nhìn vào “thái độ” của HLV Park Hang Seo để xác định kế hoạch bước đi tiếp theo. Bởi hiện tại, ông thầy người Hàn Quốc là nhân vật quyền lực bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Tiếng nói và hình ảnh của chiến lược gia 63 tuổi có trọng lượng với rất nhiều bên liên quan, đặc biệt là các nhà tài trợ.

Hơn một năm gần đây, sau những chiến tích tại VCK U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, ông thầy người Hàn đã đề cập đến việc bóng đá Việt Nam cần sự phát triển đồng bộ từ tuyến trẻ để làm nền tảng, cơ sở cho giấc mơ World Cup. Không ít lần, VFF và ông Park đều khẳng định World Cup 2022 là quá sớm để nghĩ đến mà là 4 năm sau đó. HLV Park Hang Seo có đầy đủ uy tín, quyền lực, tâm huyết để cùng VFF bắt tay vào chiến dịch hành động chinh phục sân chơi World Cup hay thấp hơn là ở giải châu Á.

Vì lẽ đó, nếu chiến lược gia người Hàn gánh thêm trọng trách GĐKT cũng không phải là điều bất ngờ, đặc biệt ông Park đang ở vào giai đoạn “ngồi chơi xơi nước” do các giải bóng đá hoãn vì Covid-19. Hoặc có một khả năng khác, VFF đi nước cờ cao hơn, rút ông Park về làm GĐKT, vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam sẽ là những người được chiến lược gia người Hàn chỉ định. Sự thay đổi mang tính đột phá này sẽ không làm xáo trộn kế hoạch và tham vọng của bóng đá Việt Nam, bởi HLV Park Hang Seo sẽ là kiến trúc sư trưởng đúng nghĩa, có tiếng nói và cơ chế phát huy năng lực.

Vậy nên, sẽ không bất ngờ nếu vị trí GĐKT của bóng đá Việt Nam sẽ được trao vào tay ông Park Hang Seo, hoặc chúng ta sẽ có thêm một chiến lược gia người Hàn khác. Nhưng dù là ai chăng nữa, để người GĐKT thành công còn phụ thuộc rất nhiều vào cách VFF sẽ giải quyết bài toán cơ chế như thế nào? 

Giám đốc kỹ thuật ở mỗi liên đoàn bóng đá, mỗi đội bóng là người lên kế hoạch, phụ trách những công việc ở tầm vĩ mô để huấn luyện viên trưởng toàn tâm toàn ý cho công việc chuyên môn. Giám đốc kỹ thuật giống như một kiến trúc sư, có trách nhiệm hoạch định chiến lược, công tác đào tạo, định hướng xây dựng, phát triển của một đội bóng, một nền bóng đá... Với bóng đá Việt Nam, người nắm vị trí GĐKT sẽ phải giải quyết cả núi công việc: Tư vấn, tham mưu cho VFF về phát triển bóng đá trẻ nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm nguồn lực bóng đá, đáp ứng trình độ phát triển của bóng đá châu lục và tiếp cận bóng đá thế giới; Định hướng và xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ; Tư vấn cho các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và U23; Hỗ trợ VFF nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các câu lạc bộ; Hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ huấn luyện viên và một số nhiệm vụ khác theo sự đồng ý của 2 bên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ