30 năm mang yêu thương
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân nghèo, hơn ai hết cô Bùi Thị Hiệp thấu hiểu hoàn cảnh trẻ em nghèo vùng cao. Vì thế, tốt nghiệp THPT, cô đăng kí thi vào ngành Sư phạm Tiểu học. Năm 1992, cô giáo trẻ vùng sơn cước ấy về nhận công tác ở Trường Tiểu học Thượng Lộ, Nam Đông và gắn bó nặng sâu cho đến hôm nay.
30 năm đứng lớp, một chặng đường dài, cô giáo Hiệp gắn bó ngôi trường Thượng Lộ với biết bao kỉ niệm. Những thế hệ học sinh đi qua, những niềm vui, bao giọt mồ hôi khó nhọc khi cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ ngôn ngữ để gieo con chữ và thắp sáng tri thức cho các em nơi những bản làng nghèo… với cô, đó là niềm hạnh phúc của người cầm phấn.
Tiểu học Thượng Lộ là ngôi trường định canh định cư thuộc xã nghèo của Nam Đông, 100% học sinh ở đây là con em dân tộc thiểu số. Có mặt nơi đây từ những ngày đầu, cô Hiệp cùng anh chị em đồng nghiệp chung sức chung lòng để từng bước đi qua những tháng ngày gian khổ.
Ngôn ngữ bất đồng, giao tiếp đã khó, dạy cho các em biết đọc, biết viết, nắm và hiểu bài học lại càng khó hơn. Cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh đến trường không đủ áo quần, sách vở, nghỉ học tự do… không nản chí, cô Hiệp miệt mài ngày đêm cắm bản, cắm trường. Cũng như bao đồng nghiệp khác, cô Hiệp không có bí quyết nào khác ngoài tình yêu nghề tha thiết, tấm lòng tất cả vì đàn em thân yêu.
Mỗi bài giảng chất chứa một tấm lòng. Trong mỗi tiết học cô Hiệp không ngừng trăn trở để tìm ra phương pháp truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ nhất cho các em. Gắn bó, thấu hiểu hoàn cảnh, tính cách của con em dân tộc, kiên trì, nhẫn nại, cô Hiệp luôn tìm cách để được gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ các em. Những em nào tiếp thu bài chậm, cô dành thời gian giúp đỡ, kèm cặp thêm ngoài giờ.
Em nào có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không cho đến trường, cô về tận nhà để động viên các em trở lại trường. Cô tâm sự: “Những năm đầu đi dạy, trường học rất tạm bợ, mùa đông cô trò rất lạnh. Học sinh đi học không đúng độ tuổi, nghỉ học tùy tiện để ở nhà giúp gia đình kiếm tiền.
Nay, trường học khang trang hơn. Tuy nhiên đời sống đồng bào dân tộc nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng học sinh có tư tưởng nghỉ học vẫn còn. Vì thế, anh chị em giáo viên chúng tôi kịp thời nắm bắt, đi vận động từng nhà để các em trở lại trường, duy trì số lượng”.
Nhiều năm liền Trường Tiểu học Thượng Lộ trở thành điểm sáng ở huyện Nam Đông có tỉ lệ học sinh đi học chuyên cần nhất, học sinh ra lớp đạt 100%, đặc biệt, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của cô giáo Bùi Thị Hiệp.
Làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Bùi Thị Hiệp luôn sáng tạo ra những hình thức sinh hoạt tập thể phù hợp tâm lý lứa tuổi để tạo sân chơi cho các em. Hằng năm, cô tổ chức cho các em đi tham quan di tích, thắng cảnh. Chính những đợt trải nghiệm này đã tiếp thêm niềm vui, lôi cuốn các em đến trường, đến lớp.
Nhiệt huyết, yêu nghề, sống giản dị… hình ảnh cô giáo Hiệp luôn để lại trong lòng biết bao thế hệ học sinh dân tộc Cơ Tu tình cảm yêu quý, tự hào. Em Hồ Trần Hoài Anh xúc động nói: “Được học với cô Hiệp 2 năm, em rất thích. Cô dạy rất hay và rất thương yêu học sinh. Em yêu cô qua những bài giảng, sang năm lên lớp 6, em rất nhớ cô”.
Gần gũi, giản dị, luôn tận tâm chia sẻ kinh nghiệm với thầy cô trẻ, không ngại khó, ngại khổ… cô Hiệp luôn được đồng nghiệp, học sinh yêu mến, trân trọng. Chia sẻ về phương pháp giáo dục học sinh dân tộc, cô Hiệp trải lòng: “Với các em, có lúc cần phải nghiêm nghị, có lúc cần mềm dẻo, đừng bao giờ nóng vội. Trong khi lên lớp, tôi thường xuyên động viên, khen ngợi các em, dù đó chỉ là sự tiến bộ rất nhỏ”.
Không chỉ dạy chữ, truyền đạt kiến thức bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết, điều đáng trân trọng hơn nữa ở cô Hiệp là tấm lòng yêu thương những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, cô đã cùng với người chồng cũng làm nghề giáo bỏ tiền lương của mình, rồi đi vận động từ những tấm lòng hảo tâm để chia sẻ, giúp đỡ biết bao học sinh nghèo không đủ áo quần, sách vở đến lớp.
Hiện tại, Trường Tiểu học Thượng Lộ có 37 học sinh nghèo được ăn sáng miễn phí từ quỹ từ thiện mà cô Hiệp là người trực tiếp đứng ra vận động, quyên góp. Em nào thiếu áo, thiếu vở… là cô giúp đỡ kịp thời.
Thầy giáo Nguyễn Hương, Hiệu trưởng nhà trường, nhận xét: “Nhắc đến cô Hiệp, cả học sinh và phụ huynh xã Thượng Lộ đều biết đến là một cô giáo yêu nghề, có trách nhiệm cao và có tấm lòng nhân ái. Cô dạy và chủ nhiệm lớp cuối cấp, vừa làm tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn trường, ở nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành xuất sắc”.
50 năm tuổi đời, 30 năm tuổi nghề, cô giáo vùng cao ấy vẫn rạo rực say mê gieo chữ cho trẻ em nghèo như thuở thanh xuân. Những ngày nghỉ vì đại dịch Covid-19, những hôm mưa gió bão bùng, cô vẫn lặng lẽ ra bài, giao bài đến nhà cho các em; cùng đồng nghiệp làm sạch đẹp môi trường để sớm đón các em trở lại.
Bao năm dài trên bục giảng, cô Bùi Thị Hiệp nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp với nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, cô Hiệp vinh dự là 1 trong 2 giáo viên tiêu biểu của Thừa Thiên - Huế được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn năm học 2018 – 2019. Và có lẽ phần thưởng đẹp nhất với cô giáo Bùi Thị Hiệp chính là niềm tin yêu và quý mến của phụ huynh và học sinh nơi miền sơn cước suốt 30 năm dài.
Cây sồi trong gió bão
Tốt nghiệp Trường CĐSP Thừa Thiên - Huế ngành Thể dục – Đoàn đội, năm 2002, Nguyễn Tất Toàn rời mảnh đất Hương Thủy để đến với vùng đất nắng gió Nam Đông làm công việc gieo chữ, trồng người cho các em thơ.
20 năm trước, đường lên Nam Đông thật xa ngái, khó khăn đủ mọi thứ, vậy mà với sức trẻ và ngọn lửa yêu nghề, thầy giáo trẻ ấy chẳng ngại ngần chi. Anh đến với Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú (THCS DTNT) Nam Đông ngay từ những ngày đầu tiên đó và bén duyên sâu nặng cho đến hôm nay.
Nhiệt tình và yêu thương, chính những đôi mắt hồn nhiên, to tròn của các em thơ dân tộc Cơ Tu đã níu giữ lấy anh để rồi anh tâm nguyện rằng, mình sẽ chọn mảnh đất vùng cao này làm quê hương thứ hai và sẽ gắn bó suốt đời.
Nhớ lại những ngày mới vào ngành, thầy giáo Toàn tâm sự: “Trở ngại lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ. Người đồng bào nói tiếng Cơ Tu mình nghe không hiểu. Có lúc nhụt chí, nhưng rồi thương các em vùng cao nghèo khó, tôi quyết tâm học tiếng Cơ Tu, gần gũi và sớm hòa nhập với các em”.
Vừa lên lớp trực tiếp dạy môn Thể dục, vừa làm Tổng phụ trách Đội kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở, vai nào anh cũng tròn. Hơn 10 năm làm thủ lĩnh phong trào Đội, thầy giáo đeo khăn quàng đỏ đó miệt mài trăn trở, suy nghĩ để tổ chức thật nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, vừa tạo ra sân chơi cho tuổi thơ vùng cao, vừa góp phần giáo dục toàn diện thế hệ trẻ.
Hai mô hình hoạt động hấp dẫn được thầy tổng phụ trách Nguyễn Tất Toàn duy trì đều đặn 10 năm qua tại Trường THCS DTNT Nam Đông là Tiết chào cờ có hiệu quả và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo giờ ra chơi với các hình thức phong phú, sinh động như: Múa hát sân trường; Giới thiệu sách; Kể chuyện Bác Hồ; Trò chơi dân gian; Thi hát Quốc ca…
Đặc biệt, đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày, thầy giáo Toàn luôn có mặt ở trong khuôn viên trường để hướng dẫn và cùng với các em ở nội trú tại ký túc xá tập thể dục rèn luyện sức khỏe… Liên đội THCS DTNT Nam Đông nhiều năm liền đạt danh hiệu Liên đội vững mạnh xuất sắc cấp tỉnh. Tham gia Hội thi hội thao cấp huyện, liên đội đều đoạt giải Nhất; 4 năm được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen.
Đó chính là thành quả của sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của cả một tập thể và đặc biệt phải kể đến vai trò, sự đóng góp miệt mài của anh tổng phụ trách Nguyễn Tất Toàn. Anh đã 4 lần được Trương ương Đoàn và 7 lần được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen; từng đoạt gải Nhất Hội thi Tổng phụ trách giỏi cấp huyện và Khuyến khích cấp tỉnh.
Nặng lòng với các hoạt động, phong trào Đoàn, Đội, thầy giáo Toàn có mặt ở trường đều đặn mỗi ngày. Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, anh luôn đồng hành với anh chị em thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy học…
Ở một ngôi trường vùng cao mà đối tượng chủ yếu là người dân tộc, làm sao để vượt qua khó khăn, thắp lửa đam mê và tình yêu nghề cho những đồng nghiệp… Điều này luôn làm thầy Toàn trăn trở. Bằng cái tâm của mình, anh luôn lắng nghe, sẻ chia với mỗi đoàn viên công đoàn; tổ chức nhiều hoạt động từ đó gắn kết và tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng cao trong tổ ấm giáo dục thân thương.
Công đoàn THCS DTNT Nam Đông nhiều năm liền đạt thành tích Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc cấp tỉnh. Riêng cá nhân anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen vì có những đóng góp xuất sắc trong công tác công đoàn.
Lặng lẽ làm, lặng lẽ cống hiến tuổi thanh xuân để mang con chữ thắp sáng tương lai cho trẻ em nghèo Cơ Tu nơi miền núi phía Tây Nam Thừa Thiên - Huế, thầy giáo Nguyễn Tất Toàn đã thật sự để lại bao tình cảm đẹp trong lòng học sinh và người dân bản làng.
Anh tâm sự: “Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng các em ở đây vẫn còn lắm gian nan. Tôi vẫn cứ ôm ấp khát vọng rằng mình sẽ tổ chức thật nhiều các phong trào để tạo sân chơi thu hút các em”. Nỗi trăn trở ấy cứ thế thôi thúc, khiến anh mãi nỗ lực và sáng tạo…
20 năm tròn dạy chữ, dạy người nơi vùng rẻo cao, thầy giáo Nguyễn Tất Toàn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu. Nhưng có lẽ, với anh, phần thưởng xứng đáng nhất chính là tình yêu thương, niềm tin mà học sinh và đồng bào Cơ Tu dành cho mình.
Tôi gọi anh là cây sồi trong gió bão, bởi lẽ càng nếm trải sự gian nan, anh lại càng trưởng thành và mạnh mẽ hơn để đi qua bao mùa giông bão cho quả ngọt được khai sinh nơi vùng đất Nam Đông nghèo khó…