“Gieo” con chữ, “gặt” yêu thương

GD&TĐ - Ở vùng cao, biên giới đã có không ít giáo cắm bản phải chịu nhiều hy sinh, vất vả khi không có cơ hội tìm hạnh phúc riêng cho mình. Song, với cô giáo Bùi Thị Hoài, hạnh phúc đã đến như một điều tất yếu…

Cô giáo Bùi Thị Hoài miệt mài giảng bài cho học sinh vùng cao
Cô giáo Bùi Thị Hoài miệt mài giảng bài cho học sinh vùng cao

Cô Hoài công tác tại trường THCS Pá Mỳ, xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Nơi đây là địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn của một huyện khó khăn nhất cả nước.

Gắn bó với mái trường 10 năm, cũng bởi duyên trời định nên cô Hoài và thầy Dương có chung cảnh ngộ xa nhà, đã gặp gỡ và nên duyên. Đến với nhau được 8 năm, giờ đây cô Hoài và thầy Dương đã có 1 gia đình nhỏ, ấm cúng với đầy ắp tiếng nói, nụ cười của 2 nàng công chúa xinh xắn, đáng yêu.

Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng ánh mắt, nụ cười và khuôn mặt của 2 vợ chồng cô luôn rạng ngời niềm vui và hạnh phúc.

Cô Hoài hạnh phúc vun xới vườn hoa mỗi ngày
Cô Hoài hạnh phúc vun xới vườn hoa mỗi ngày

Ở khu “đô thị” (dãy nhà tập thể giáo viên) giáo viên có một vườn hồng trước cửa tuy đơn sơ, nhưng với cô Hoài lại là cả một rừng hoa. Đơn giản, bởi đó là tình yêu mà thầy Dương dành cho vợ…

“Trước em cứ đùa anh nhà em rằng: Sao anh không tặng hoa cho em nhân dịp 8/3 và 20/11. Anh ấy bảo, bây giờ mình còn khó khăn, chưa có điều kiện để tặng. Đến khi mua được đất dựng nhà, anh sẽ tặng em cả một vườn hoa vì em xứng đáng nhận được điều đó. Nói rồi anh ấy tự tay trồng vườn hoa hồng nhung và duy trì từ nhiều năm nay rồi. Em thấy vui lắm”, cô Hoài vui vẻ nói.

Đối với cô Hoài, thầy Dương và hầu hết giáo viên ở đây, Pá Mỳ đã trở thành ngôi nhà thứ 2, quê hương thứ 2 của mình. Ngày lại ngày, tháng lại tháng cứ trôi qua, họ vẫn cứ miệt mài “gieo” từng con chữ để miền đất biên viễn có ngày càng nhiều những “mùa vàng” hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ