Xung phong ra đảo sau chuyến thăm quan
Năm nay cô Hà đã 47 tuổi và đã có 20 năm công tác ngoài đảo. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, cô Hà cho biết: "Hồi mới ra đảo, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn mọi thứ. Lúc đó trường chưa được xây dựng, tôi cùng một đồng nghiệp khác phải mượn địa điểm dạy học ở khắp nơi, từ ủy ban huyện cho đến nhà dân.
Phòng học là 2 gian nhà tạm bợ, chúng tôi phải đảm nhiệm dạy nhiều lớp với nhiều lứa tuổi học sinh khác nhau. Đồ dùng học tập, sách giáo khoa… là niềm mơ ước xa xỉ của cô và trò lúc bấy giờ…Ấy vậy mà cô, trò vẫn động viên nhau khắc phục khó khăn vươn lên học tập, bám đảo cho đến hôm nay”.
Cô Hà quê gốc ở Cát Bà và là một trong hai giáo viên đầu tiên ra đảo. Chỉ sau chuyến tham quan Bạch Long Vĩ một tuần, cô giáo trẻ ấy đã tình nguyện ra đảo công tác không chút do dự.
Khi ấy, cô mới hơn 20 tuổi, trên đảo toàn là cát và xương rồng. Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thưa thớt. Thế nhưng cô Hà và đồng nghiệp vẫn tận tụy dạy học trong điều kiện thiếu thốn đủ mọi thứ.
Có những lúc cũng nản lòng khi nghĩ về gia đình ở trong đất liền nhưng có sự quan tâm của chính quyền, phụ huynh, đặc biệt là sự yêu quý của học sinh, những đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên là sợi dây níu giữ cô ở lại.
“Tập” làm trẻ tự kỉ!
Học sinh ngoài đảo rất ít, mỗi lớp ghép cũng chỉ chưa đến 10 em một năm. Có những năm, cả trường cũng chỉ có 20 em nên các phong trào, hoạt động ngoài giờ không được nhộn nhịp như trong đất liền. Các em cũng chịu nhiều thiệt thòi khi không có môi trường giao tiếp và điều kiện sinh hoạt.
Suốt 20 năm gắn bó với trò ngoài đảo, kỉ niệm mà cô Hà nhớ nhất là khi cô dạy thành công một trẻ tự kỉ. Đó là em Quyết, mới 7 tuổi đã không biết nói, không có cảm xúc, và mắc chứng rối loạn hành vi.
Hơn nữa, Quyết còn chịu thiệt thòi lớn khi mồ côi bố từ nhỏ, mẹ ra đảo bán hàng nuôi hai anh em rất khó khăn. Chính mẹ Quyết dường như cũng cam chịu với bệnh tình của con.
Nhìn đôi mắt vô hồn, dại khờ đôi lúc bột phát những hành động không như bạn bè cùng trang lứa, cô Hà không khỏi xót xa.
Cô đã không ngại bỏ công ra sức dạy dỗ em. Tuy nhiều lúc bị rối loạn, Quyết trở lên không bình thường khiến cô rất mệt, nhưng cô Hà vẫn tận tình tìm các phương pháp tích cực để hướng dẫn em đọc, tập nói và cùng chơi với các bạn.
Nhiều lúc tưởng chừng như buông xuôi , cô nhìn trò nước mắt chảy dài đau từng khúc ruột. Cô Hà cũng không ngại làm bạn với em, thậm chí có lúc còn “tập” giống em để có thể đồng cảm và giúp Quyết tự tin hơn.
Những buổi chiều hai cô trò tập nói trong sân trường, tiếng bi bô, ê a đã làm cô ấm lòng. “Kì tích” xảy ra không phụ lòng cô giáo trẻ, em Quyết đã trở lại bình thường như các bạn, có thể nói chuyện, học tập và chơi đùa khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.
Thương con nhưng không nỡ rời đảo
28 tuổi, cô Hà lập gia đình trên đảo Bạch Long Vĩ chỉ toàn sỏi cát với xương rồng. Hai người yêu nhau từ khi còn ở trong đất liền, chồng cô Hà chưa kịp ngỏ lời cầu hôn thì cô đã xung phong ra đảo.
Thấy bạn gái kiên quyết, chồng cô Hà cũng xin vào thanh niên xung phong tại đảo. Thế là mối nhân duyên của họ đã thành đám cưới giản dị đầy ý nghĩa trong sự chúc phúc của mọi người, trong đó có bà con trên hòn đảo cách đất liền 6 giờ tàu chạy này.
Hiện, gia đình cô có hai cậu con trai đã lớn, đang theo học ở trong đất liền. Chồng cô theo vào chăm các con, còn mình cô ở lại tiếp tục sự nghiệp “trồng người”.
Cô Hà nhiều lúc nhớ con nhưng vẫn không lỡ rời xa học trò vì giáo viên còn thiếu nhiều và cũng nhiều năm gắn bó không muốn xa các em ngày nào.
Cô chỉ mong hằng ngày được nhìn thấy các em trưởng thành, khôn lớn, sau này có thể góp phần giúp đảo Bạch Long Vĩ xanh tươi, trù phú.
Cô giáo Vũ Thị Hà là một trong 42 giáo viên biển đảo tiêu biểu trên cả nước được lựa chọn để tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào thàng 11, mỗi thầy cô giáo sẽ nhận một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng của chương trình.