Nghị lực chinh phục ước mơ của nam sinh người Thái sau hai lần trượt đại học

GD&TĐ - Với khát vọng thoát nghèo bằng con chữ, em Lò Văn Thướng chưa bao giờ nghĩ đến hai từ “bỏ cuộc” trên hành trình theo đuổi màu xanh áo lính.

Năm 16 tuổi, Lò Văn Thướng một mình xuống thành phố học tập và bắt đầu cuộc sống tự lập. Ảnh NVCC.
Năm 16 tuổi, Lò Văn Thướng một mình xuống thành phố học tập và bắt đầu cuộc sống tự lập. Ảnh NVCC.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Lò Văn Thướng - cựu học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa (Thanh Hoá) xuất sắc đạt 26,88 điểm khối C00 (Ngữ văn 7,75 điểm; Lịch sử 8,75 điểm; Địa lí 9,25 và điểm ưu tiên 1,13) và đỗ ngành Luật, Học viện Biên phòng.

Thí sinh lớn tuổi nhất phòng thi

Lò Văn Thướng cũng giống như nhiều cậu học trò khác ở bản Sại (xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), ngay từ lúc lọt lòng em được mẹ địu trên lưng đi làm nương, làm rẫy.

Cái đói, cái khổ bủa vây nhưng chưa một lần nam sinh nghĩ đến hai từ “bỏ cuộc”, em luôn đặt mục tiêu theo đuổi con chữ để thoát nghèo, làm tấm gương cho trẻ em trong bản Sại. Đáng chú ý, năm nay Thướng là con em duy nhất của bản Sại tham gia xét tuyển đại học.

“Cuộc sống ở vùng đất em sinh sống còn gặp nhiều khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT mọi người đều chọn đi làm để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, bản thân em vẫn luôn muốn học tập để thoát nghèo, giúp bố mẹ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, nam sinh người Thái trải lòng.

Phần lớn thời gian trong ngày Thướng đều phải cùng bố mẹ làm công việc đồng áng, chăn bò, làm nương rẫy. Cho nên, chỉ cần có thời gian rảnh, chàng trai dân tộc Thái đều ngồi vào bàn học, lên mạng xã hội tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc ôn thi đại học.

Nhớ về hành trình chạm tay đến giấc mơ màu xanh áo lính, chàng trai trẻ cho biết bản thân là thí sinh lớn tuổi nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại cụm thi Quan Sơn (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), do Thướng ôn thi lại đại học ba lần liên tiếp.

“Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, em đạt 24,5 điểm khối C00 nhưng điểm chuẩn ngành em xét tuyển ở Học viện Biên phòng lên tới 28,5 điểm, em đành ngậm ngùi ôn thi lại. Tuy nhiên, may mắn vẫn chưa thực sự mỉm cười với em khi em chỉ đạt 26,5 điểm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 và chỉ thiếu 0,25 điểm để biến ước mơ thành hiện thực.

Đến giây phút này, em thực sự cảm thấy bản thân thật may mắn khi nghe theo lời khuyên của gia đình và được thầy cô tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa ủng hộ tiếp tục ôn thi thêm lần nữa”, Thướng chia sẻ.

Với số điểm khá cao qua từng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nam sinh dân tộc Thái từng nghĩ đến giấc mơ chinh phục trường đại học khác. Tuy nhiên, suy nghĩ này xuất hiện chưa được bao lâu Thướng phải quyết định dập tắt, vì bố mẹ em đang phải lo tiền học phí và sinh hoạt hàng tháng cho anh trai theo học tại Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên).

thai-2.jpeg
Lò Văn Thướng cùng cha của mình. Ảnh NVCC.

Xây dựng phương pháp học hợp lí

Sau ba lần tham gia tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thướng nhận thấy việc xây dựng cho bản thân phương pháp học tập hợp lí là điều rất quan trọng.

Thướng chia sẻ: “Em không chỉ chú trọng nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn dành nhiều thời gian để luyện đề, có những dạng bài giống nhau nhưng em làm đi làm lại rất nhiều lần”.

Đồng thời, cậu học trò vùng cao luôn tích cực trao đổi kiến thức với bạn bè và không ngại nhờ thầy cô giúp đỡ khi gặp kiến thức khó.

Thướng thừa nhận, việc tự học rất quan trọng: “Bản thân em không hay thức khuya học bài, mỗi buổi tối em chỉ dành khoảng 2-3 tiếng tự học. Một khi đã học, em học rất nghiêm túc, ôn tập bài nào nắm vững kiến thức bài đó”.

Trong ba môn thi chính, nam sinh đánh giá Văn học là môn khó học nhất: “Em đã dành rất nhiều thời gian để tập viết bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Ngoài nghe cô giáo giảng trên lớp, em còn đăng ký thêm một khóa học văn dạy kèm tại nhà do cô giáo Lương Đào trực tiếp giảng dạy.”

Thướng cũng chia sẻ thêm, bản thân vốn rất yêu thích môn Địa lý, nên khi giải đề em luôn cố gắng đọc kỹ yêu cầu đề bài và làm cẩn thận, không sai những câu dễ, đặc biệt là phần Atlat.

Riêng phần kiến thức khó, nam sinh luôn cố gắng tìm hiểu thông tin trên mạng,dành nhiều thời gian để luyện đề giúp hạn chế tối đa sai sót.

Ngoài ra, Thướng cũng tập trung cao độ khi làm bài thi để tránh tình trạng giải nhầm đề hoặc đọc sai ý nghĩa của câu hỏi.

Đặc biệt để có thể làm được những câu nâng cao, Thướng tập trung nắm vững kiến thức cơ bản và vận dụng vào bài học, không học vẹt, học thuộc.

Chứng kiến hành trình chinh phục ước mơ của con mình, ông Lò Văn Quan (bố em Thướng) xúc động không nói thành lời khi biết tin cậu con trai của mình cuối cùng cũng đậu vào ngôi trường mơ ước từ bé.

“Lúc biết tin con đạt điểm cao và đỗ vào Học viện Biên phòng gia đình tôi rất vui, mẹ Thướng còn đi khắp bản để khoe với mọi người thành tích con trai đạt được. Tôi biết rõ số điểm những lần thi đại học trước đó của con đủ để nhiều trường khác, nhưng vì thương bố mẹ nên cháu không ngừng nỗ lực đến ngày hôm nay”, ông Quan tâm sự.

Nhìn về tương lai, ông Quang hi vọng môi trường học tập và rèn luyện ở Học viện Biên Phòng sẽ giúp con trai mình trở thành một người sĩ quan tốt, góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ