Sử dụng phiếu bài tập & bài tập dự án: Hình thành năng lực và kỹ năng học tập

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới hướng tới việc phát triển năng lực của người học, chú trọng tới vấn đề thực hành của HS. Vì vậy, trong quá trình dạy, giáo viên cần quan tâm tới việc phát huy tính tự học của các em. Việc sử dụng phiếu bài tập hay bài tập dự án sẽ giúp học sinh hình thành năng lực và các kỹ năng học tập.

Chương trình GDPT mới chú trọng đến hoạt động tự học. Ảnh T.G
Chương trình GDPT mới chú trọng đến hoạt động tự học. Ảnh T.G

Chú trọng năng lực người học

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Triệu, Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ chia sẻ: Để đáp ứng việc giảng dạy môn Ngữ văn theo CTGDPT mới, mỗi một giáo viên đều phải tìm tòi những phương pháp phù hợp với cách tiếp cận trong mỗi bài giảng. Vì vậy, tổ bộ môn Ngữ văn của nhà trường luôn có thống nhất chung trong việc đưa ra những đổi mới về phương pháp giảng dạy.

“Trước đây trong phân môn tập làm văn, HS rất thích học văn mẫu vì nội dung có sẵn, không phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, với yêu cầu đổi mới việc dạy và học, giáo viên đã thay đổi việc học tập của các em; Giúp HS thoát ly các bài văn mẫu bằng cách tự học, tự lĩnh hội kiến thức dưới sự dẫn dắt của giáo viên.

Thầy cô hướng dẫn học sinh các bước tiếp cận và thực hành từng kiểu bài khác nhau. Từ việc tìm hiểu đề cho tới khai thác, phân tích các nội dung yêu cầu, học sinh sẽ tự xây dựng được bài tập làm văn bằng chính năng lực của mình.

Đặc biệt, thầy cô sẽ đổi mới trong quá trình kiểm tra, đánh giá trình độ học sinh, với các mức độ đánh giá khác nhau. Với học sinh khá, giỏi sẽ có mức đánh giá cao hơn, còn với học sinh trung bình và yếu kém, có mức yêu cầu các em phải đạt. Điều quan trọng, trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ luôn khuyến khích sự cố gắng của từng học sinh”, cô Ngọc Triệu cho biết như vậy.

Thiết kế phiếu bài tập và bài tập dự án

Hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy trong bộ môn Ngữ văn ở Trường THCS Chu Văn An là giáo viên sẽ cho học sinh các phiếu bài học tập trước mỗi tiết học. Ngay từ khâu soạn bài, các giáo viên sẽ soạn sẵn các phiếu học tập chứ không dựa hoàn toàn vào các câu hỏi trong sách giáo khoa.

Cô giáo Ngọc Triệu chia sẻ: Việc làm này nhằm tránh tình trạng học sinh tìm mua những cuốn sách hướng dẫn rồi chép câu trả lời vào vở soạn mang tính chất đối phó. Vì vậy, đối với những bài học đơn giản, sau mỗi tiết học, giáo viên sẽ giành ra 5 phút để hướng dẫn học sinh các câu hỏi về bài học sắp tới.

Với những bài khó, phức tạp, giáo viên soạn hệ thống câu hỏi để học sinh về nhà tìm hiểu trước. Trước khi tới lớp, học sinh sẽ trả lời các câu hỏi đó theo ý hiểu của mình (ở phiếu bài học cô giáo sẽ không đánh giá đúng, sai). Trong quá trình lên lớp, giáo viên và học sinh cũng trao đổi và đưa ra những cách hiểu phù hợp nhất.

Phần việc của học sinh là điều chỉnh, bổ sung các nội dung vào vở ghi cũng như vào phiếu học tập mà các em đã chuẩn bị. Như vậy, quá trình làm việc trên lớp học sinh không hề bị thụ động. Các em được tiếp cận kiến thức theo hướng mở, tự mình lĩnh hội kiến thức và hoàn thiện sự hiểu biết của mình không hề có sự khiên cưỡng. Như vậy, các em sẽ chủ động có những sáng tạo riêng của bản thân, học sinh nhớ lâu vì các em thực sự được làm việc.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Triệu, trong quá trình giảng dạy, cô trò cùng trao đổi kiến thức. Ví dụ trong tiết học về bài “Ánh trăng” của tác giả Nguyễn Duy, giáo viên yêu cầu học sinh có các phần chuẩn bị tại nhà như sưu tầm những bài cùng về chủ đề “Ánh trăng”. Sau khi dẫn dắt vào bài dạy, giáo viên yêu cầu các nhóm cùng thảo luận trên phiếu học tập các em đã chuẩn bị sẵn. Mỗi nhóm sẽ trao đổi theo các nội dung vấn đề của từng phần trong tác phẩm. Mỗi HS có các phiếu chuẩn bị khác nhau.

Sau khi các nhóm trình bày, cả lớp sẽ có sự bổ sung góp ý cho từng vấn đề. Sau tiết học, học sinh lưu lại các phiếu bài tập mà mình đã chuẩn bị để có sự đối sánh và ghi nhớ nội dung bài. Việc sử dụng phiếu bài tập sẽ có tác dụng kích thích việc học tập của học sinh.

Giáo viên có thể giao bài tập dưới hình thức các dự án nhỏ để các em có cơ hội tìm hiểu và nghiên cứu. Với môn ngữ văn, giáo viên cho học sinh tìm hiểu về các tác giả trong văn học, đặc biệt là những tác giả tại địa phương nơi các em sống. Với chuyên mục về tác giả ở địa phương tại thành phố Cần Thơ, cô giáo Ngọc Triệu cho các em tìm hiểu về tác giả Lê Vĩnh Hoàng.

Dưới hình thức bài tập dự án, học sinh có thể đi tìm các tư liệu về tác giả này tại thư viện thành phố, thư viện trường. Các vấn đề được tìm hiểu liên quan xung quanh tác giả đó như xuất thân, cuộc đời sự nghiệp, những tác phẩm chính, nội dung, phong cách nghệ thuật trong tác phẩm của tác giả...

Đặc biệt trong đó có vấn đề học sinh phải tiếp cận trình bày hiểu biết của mình về một tác phẩm cụ thể mà các em yêu thích, có ấn tượng nhất... Quá trình thâm nhập thực tế và tìm hiểu cũng như chia sẻ ấn tượng của mình về từng nội dung giúp các em có những cảm nhận riêng cũng như rèn cho các em các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng tập viết luận. Học sinh sẽ tự trình bày hiểu biết của mình, quá trình tự học sẽ được phát huy.

Với những bài tập lớn, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh làm theo nhóm, từng nhóm sẽ trình bày sau đó có sự bổ sung của cá nhân và các nhóm. Mọi học sinh, đều phải tiếp cận các nội dung, theo yêu cầu từng bài học. Điều này sẽ giúp tất cả học sinh đều phải làm việc thực thu, không ỷ lại vào các bạn khác trong nhóm. Để học sinh hứng thú với mỗi tiết học, giáo viên luôn có những điểm cộng để khuyến khích các em. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ