Ảnh minh họa
Say xe luôn là ám ảnh lớn đối với những người thường xuyên bị say xe. Có rất nhiều người mặc dù say xe nhưng lại sợ uống thuốc nên chỉ áp dụng một số biện pháp chống say dân gian như ngửi bánh mì, ngậm chanh, ngậm gừng... Hiện nay, miếng dán chống say xe cũng được nhiều người sử dụng bởi hiệu quả mà nó mang lại cho người dùng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng loại cao dán đặc biệt này.
Bên cạnh ưu điểm tiện lợi của miếng dán chống say, khi sử dụng, người dùng có thể gặp một số biểu hiện như khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt... Đó là những tác dụng phụ không mong muốn do miếng dán chống say. Do đó, khi sử dụng, cần lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau:
- Để đạt hiệu quả tốt nhất nên dán miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi lên xe bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.
- Cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán… để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải.
- Nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2-3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học, thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng phụ bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng. Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó, người sử dụng đang ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, các tác dụng phụ rất khó tránh khỏi và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc.
- Tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.
- Theo Sức khỏe đời sống, không nên sử dụng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8-15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. Khi đang dán miếng dán chống say xe xuyên da mà cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da.
Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc để bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ miếng băng dán, nên rửa tay thật kỹ để thuốc không dính vào đồ ăn, thức uống vô tình được đưa vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Sau khi dùng, không nên bỏ miếng dán bừa bãi mà nên bỏ vào thùng rác có nắp đậy kín vì lượng thuốc còn thừa có thể gây hại cho trẻ em.