Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông

Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông

Kỳ 1:  Hiệu quả giáo dục to lớn

(GD&TĐ) - Để giúp học sinh hiểu biết về giá trị của các di sản, qua đó giáo dục các em ý thức gìn giữ, bảo vệ các di sản, đồng thời góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, Bộ GD&ĐT chủ trương sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông.

Giúp HS phát triển về trí tuệ

Học sinh Trường THCS Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) tham quan thực tế vẽ tranh Đông Hồ
Học sinh Trường THCS Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) tham quan thực tế vẽ tranh Đông Hồ
 

Di sản văn hoá Việt Nam là những giá trị kết tinh từ sự sáng tạo văn hoá của cộng đồng các dân tộc anh em. Trải qua một quá trình lịch sử lâu đời, các di sản được kế thừa và sáng tạo từ nhiều thế hệ cho tới ngày nay tạo nên bức tranh văn hoá đa dạng.

Mục đích của nền giáo dục của chúng ta luôn hướng tới việc phát triển toàn diện cho HS vì vậy những hiểu biết về di sản văn hóa sẽ làm dầy thêm vồn kiến thức của các em và đặc biệt giúp HS phát triển về trí tuệ.

Tại Hội nghị tập huấn về sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông, ông Lê Văn Chương, chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Khi cho HS tiếp cận với di sản đúng mục đích, với phương pháp dạy học phù hợp và sự hướng dẫn chi tiết mang tính định hướng, kích thích tư duy, GV sẽ giúp HS phát triển khả năng quan sát, khả năng xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp và so sánh, qua đó phát triển trí tuệ của các em.

Di sản văn hóa chính là một trong những phương tiện dạy học đa dạng sống động nhất. Ẩn chứa trong di sản là những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nên nó có khả năng tác động mạnh tới tình cảm, đạo đức, tới việc hình thành nhân cách của HS. Khai thác được những giá trị ẩn chứa trong các di sản và chuyển giao cho HS để các em cũng nhận thức được những giá trị đó thì GV sẽ giúp HS nhận thức thế giới xung quanh, đồng thời giúp các em  có cơ sở giải thích một cách khoa học các sự vật, hiện tượng liên quan đến di sản.

Góp phần phát triển một số kỹ năng sống

Học sinh hào hứng với các tiết học về di sản
Học sinh hào hứng với các tiết học về di sản
 

Theo cô Trần Bích Thảo, GV trường THPT Lý Nhân, thì để tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả, HS rất cần nâng cao kỹ năng sống. Kỹ năng sống được hiểu là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

Trong quá trình học tập với di sản, HS được rèn luyện cách trình bày, diễn đạt suy nghĩ, quan điểm,  mong muốn, cảm xúc của bản thân dưới hình thức nói, viết một cách phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và văn hóa giao tiếp. Đồng thời các em cũng biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác ngay cả khi bất đồng quan điểm. Kỹ năng này giúp HS có mối quan hệ tích cực với nguời khác, đồng thời biết cách xây dựng mối quan hệ với bạn bè mới.

Làm việc với di sản, HS có được môi trường giao tiếp cởi mở với bạn bè không chỉ trong phạm vi lớp học mà cả với những đối tượng khác mà các em gặp gỡ. Trong quá trình tiếp cận với di sản, GV lưu ý cách thức giao tiếp phù hợp cũng chính là góp phần phát triển ở các em một loại kỹ năng sống cần thiết.

Trong quá trình dạy học thông qua việc tiếp cận di sản, GV không chỉ thuyết trình về các hiện tượng, sự vật mà cần tìm hiểu, hướng dẫn HS tự quan sát, thu thập thông tin, trao đổi trong nhóm để xử lý các thông tin. Qua đó các em sẽ có những kiến thức về di sản và có thể trình bày lại những hiểu biết của cá nhân mình hoặc của nhóm mà mình đã thu lượm được.

Để làm cho hoạt động phong phú và hiệu quả, GV có thể phát động, hướng dẫn các em tổ chức triển lãm những hiện vật, bài viết giới thiệu về di sản do các em sưu tầm được.

Môi trường làm việc thay đổi đòi hỏi GV phải có phương pháp dạy học, cách thức tổ chức dạy học phù hợp, sao cho tập thể HS được lôi cuốn vào công việc tìm hiểu, nghiên cứu di sản; đòi hỏi từng HS phải làm việc thực sự và phải biết hợp tác với bạn để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hoá, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hoá để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hoá để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của HS đối với di sản văn hoá”. 

Minh Châu

Kỳ 2: Linh hoạt trong lồng ghépHọc sinh hào hứng với các tiết học về di sản

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ