Chó có ít nhất 220 triệu thụ thể khứu giác trong khi con người chỉ có 5 triệu thụ thể khứu giác. Nhờ đặc điểm trời cho này, chó có khả năng khứu giác cực tốt.
Lợi dụng đặc điểm này, các nhà khoa học đã sử dụng một loại tất nylon thu thập mẫu mồ hôi chân của từ những đứa trẻ khỏe mạnh từ năm đến 14 tuổi ở Gambia, một quốc gia ở Tây Phi, để kiểm tra khả năng của một số chú chó.
Trước đó, các nhà nghiên cứu đã chích máu trên ngón tay để xem các em có ký sinh trùng sốt rét trong máu hay không.
Các mẫu tất sau khi thu thập được gửi đến tổ chức Medical Detection Dogs ở Vương quốc Anh, nơi những con chó được huấn luyện để đánh hơi sự khác biệt về mùi hương giữa những đứa trẻ bị nhiễm và không nhiễm bệnh.
Kết quả thật bất ngờ, trong tổng cộng 175 mẫu thử đã được thử nghiệm, có 30 mẫu dương tính khớp 70% so với kết quả thử máu của các nhà nghiên cứu được các chú chó xác định và 145 trẻ em không nhiễm.
Với kết quả này, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng chó đã được huấn luyện như một phương pháp sàng lọc mầm bệnh sốt rét tại các sân bay và các cảng nhập cảnh khác để ngăn ngừa sự phát tán.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện đã có khoảng 216 triệu trường hợp và 445.000 ca tử vong do sốt rét trên toàn thế giới trong năm 2016. Sốt rét là một căn bệnh có thể gây chết người do ký sinh trùng sốt rét lây truyền sang người qua vết cắn của muỗi Anopheles cái.
"Thật đáng lo ngại, những nghiên cứu của chúng tôi để kiểm soát bệnh sốt rét đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Chúng tôi rất cần những công cụ mới để giúp chống lại bệnh sốt rét", James Logan, trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh tại trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM), lo lắng cho biết.
Hiện tại, mặc dù nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu nhưng các nhà khoa học vẫn hi vọng nó khả quan trong việc áp dụng trong thời gian tới.