Sự đồng hành quý giá

GD&TĐ -  Mới đây diễn ra Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Với sự tài trợ của tập đoàn Thiên Long, mỗi giáo viên tiêu biểu đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn được tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, cùng nhiều phần thưởng giá trị khác. Trước đó, Danisa đã thực hiện chương trình “Cùng Danisa tri ân người trồng cây, chung tay trao laptop”. Rất nhiều giáo viên vùng khó được nhãn hàng này trao tặng máy tính để thuận tiện hơn trong tiếp cận công nghệ và dạy học.

Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, coi công tác giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và các đối tượng thuộc diện chính sách. Tuy vậy, do nguồn lực hạn chế, giáo dục ở các vùng này vẫn còn bộn bề khó khăn. Theo đó, những người gieo chữ phải “đứng mũi chịu sào”, chịu bao gian khổ…

Tại buổi gặp mặt 68 gương giáo viên tiêu biểu công tác ở vùng khó mới đây, câu chuyện của thầy giáo Sùng A Trừ ở xã Chế Tạo, địa bàn xa nhất của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Thầy Sùng A Trừ kể: “Có những học sinh ở thôn, bản, cách xa điểm trường đến 6 - 7 tiếng đồng hồ đi bộ đường núi, đường rừng. Tôi và các đồng nghiệp vẫn đến nhà từng em để tuyên truyền, động viên phụ huynh cho con em tới trường để học cái chữ, được vui chơi với bạn bè”. Chỉ riêng việc vận động đưa trẻ đến trường thôi, hành trình của thầy cô đã biết mấy gian nan.

Chuyện thầy Sùng A Trừ không phải là cá biệt. Trên mỗi miền rẻo cao, nơi xa xôi của Tổ quốc, vẫn còn đó những nhà giáo lặng thầm vượt qua bao khó khăn mỗi ngày để đưa trẻ tới trường, để gieo chữ với hy vọng tương lai trẻ vùng khó sẽ tươi sáng hơn. Trong mỗi câu chuyện của thầy cô, luôn đau đáu những ước mong cho học trò của mình, từ bữa cơm, chiếc chăn ấm đến việc làm sao các em có giờ học ứng dụng công nghệ xuyên quốc gia, biên giới; có thể thụ hưởng chất lượng học tập tốt nhất.

Để thầy cô vợi bớt khó khăn, vững tâm bám trụ gieo chữ ở vùng khó, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, rất cần sự chung sức, đồng hành của xã hội. Không chỉ Thiên Long, Danisa, những ngày này có rất, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động thiết thực hướng đến tôn vinh, tri ân và chăm lo cho nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo vùng khó khăn.

Trước thềm 20/11, một gia đình ở TPHCM cũng đã kịp bàn giao 2 nhà công vụ cho giáo viên Trường Mầm non và Trường Tiểu học & THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, thay cho căn nhà công vụ cũ đã xuống cấp do thiên tai lũ lụt. “Chúng tôi hy vọng các thầy cô giáo và học sinh sẽ vơi bớt khó khăn, thử thách trên hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức”, đại diện nhà tài trợ cho biết.

Thế mới biết cộng đồng, xã hội vẫn luôn trân trọng công lao, cùng hướng về và chia sẻ với gian khổ hy sinh của nhà giáo với mong muốn thầy cô có thêm nhiệt huyết trên con đường đã chọn. Sự đồng hành này thật sự quý giá. Mong rằng sẽ có nhiều hoạt động đồng hành hơn nữa, không phải chỉ riêng dịp 20/11, để góp phần chăm lo, biểu dương, tôn vinh các thầy cô, phát huy tinh thần chia sẻ của cộng đồng đến đội ngũ, nhất là những người gieo chữ nơi miền khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ