Những điều chia sẻ cùng… hiệu trưởng

GD&TĐ - Hiệu trưởng là người đứng đầu trong nhà trường nên “trăm dâu đổ đầu tằm”. Ngoài chuyên môn đào tạo ở đại học, cao đẳng hiệu trưởng còn được tham gia các lớp bồi dưỡng như: Trung cấp lý luận, ngạch chuyên viên chính, bồi dưỡng thường xuyên... Đổi mới giáo dục, yêu cầu đối với hiệu trưởng càng cao hơn. 

Những điều chia sẻ cùng… hiệu trưởng

Hơn 20 năm làm cán bộ quản lý, trải qua nhiều nhiệm vụ được giao, tôi mạo muội có đôi chút chia sẻ.

Do hiệu trưởng có đủ thông tin, được giao quyền lực, lại chịu áp lực từ nhiều phía nên rất dễ cáu gắt, độc đoán. Có lời nói nóng nảy, việc làm thiếu cân nhắc khiến giáo viên buồn phiền, bức xúc; phụ huynh và học sinh không đồng tình. Để thắng chính mình, thuyết phục đội ngũ, tạo môi trường làm việc nhân văn thì hiệu trưởng phải biết nhẫn nhịn. Cần lưu ý, nhẫn nhịn chứ không nhu nhược; nhẫn nhịn nhưng trong công việc phải quyết đoán – tránh “đẽo cày giữa đường”.

Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc trên cơ sở sâu sát tình hình của đơn vị; quán triệt hướng dẫn của cấp trên. Thời gian nào, làm việc ấy, không để “nước đến chân mới nhảy”. Có biện pháp đúng mới chỉ là điều kiện cần, hiệu trưởng phải biết thuyết phục giáo viên – nhân viên – học sinh. Đồng thời, chọn lĩnh vực – công việc (liên quan đến chuyên môn, xã hội hóa giáo dục, hoạt động ngoài giờ lên lớp...) để đột phá. Không ôm đồm, viển vông, nôn nóng; hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể. Làm được nhiều việc nhỏ sẽ tạo thay đổi.

Chủ trương, hướng dẫn nhiệm vụ của cấp trên là chung cho các nhà trường, mỗi trường có đặc thù. Hiệu trưởng cần vận dụng thích hợp, không cứng nhắc – rập khuôn. Đổi mới chương trình – sách giáo khoa, đổi mới kiểm tra - đánh giá, công tác bồi dưỡng giáo viên, xã hội hóa giáo dục... đòi hỏi hiệu trưởng luôn uyển chuyển trong tổ chức thực hiện.

Phục vụ để giáo viên dạy tốt – học sinh học tốt – nhân viên làm việc tốt - phụ huynh phối hợp tốt - lãnh đạo tin cậy. Hiệu trưởng không thể “vua một cõi”, “cát cứ” một khoảng trời! Qua rồi phong cách lãnh đạo uy quyền bởi giáo dục trong bối cảnh đổi mới cần được hiểu là một hoạt động cung cấp dịch vụ.

Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy học... thường có trích hoa hồng cho quản lý đơn vị. Tiền này thật ra cũng của nhà trường, phụ huynh, học sinh được các đơn vị kinh doanh trích lại rồi chi. Ai cũng biết, thế nên hiệu trưởng nên chi các khoản ấy cho quỹ khuyến học, thi đua khen thưởng, hỗ trợ giáo viên - nhân viên khó khăn, ấm áp lắm!

Tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường, các giá trị mong muốn như la bàn giúp hiệu trưởng lèo lái con tàu (hình ảnh nhà trường) vượt sóng, ra khơi. Hầu hết hiệu trưởng qua các lớp tập huấn lập kế hoạch chiến lược, nhưng không nhiều hiệu trưởng đầu tư tâm trí, công sức nên... “đụng đâu, làm đó”! Thế nên, lúc gặp khó khăn là cáu gắt, né tránh trách nhiệm...

Hiệu trưởng phải dạy, dạy đúng chuyên môn được đào tạo từ trường sư phạm. Dạy để nắm tình hình học sinh, thấu hiểu giáo viên; dạy để rèn luyện tay nghề trong bối cảnh đổi mới; dạy để phát triển biện pháp quản lý. Bỏ chuyên môn, vô hình trung hiệu trưởng đánh mất mình trong mắt giáo viên. Mẫu hiệu trưởng lý tưởng là lãnh đạo về học thuật nói chung và chuyên môn nói riêng.

Muốn quản lý xung đột, hiệu trưởng cần phân sẻ quyền lực. Phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn. “Giao” nhưng không “buông”. Lúc công việc thuận lợi thì tiếp tục tạo điều kiện, tuyên dương - khen thưởng; lúc khó khăn hãy xuất hiện, nhận trách nhiệm và cùng khắc phục.

Đổi mới GD&ĐT hiện nay muốn thành công thì vai trò của hiệu trưởng đặc biệt quan trọng. Đảm đương chức vụ hiệu trưởng là chấp nhận khó khăn, “buồn nhiều hơn vui”, cho đi nhiều hơn nhận về... Vài điều nói cùng hiệu trưởng, mong có nhiều thay đổi từ năm mới 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.