Hôm 28/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow mong muốn triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về “các hành động khiêu khích” tại đường ống Nord Stream 1 và 2.
Các nhà chức trách Đan Mạch xác nhận có sự rò rỉ khí đốt từ các đường ống không xa đảo Bornholm ở Biển Baltic vào 26/9 sau khi cả Nord Stream 1 và 2 đều được báo cáo là mất áp suất. Nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch sau đó khẳng định một loạt vụ nổ dưới biển được phát hiện trước khi các rò rỉ được xác nhận.
Các quan chức Nga, Mỹ và Thụy Điển đều cho rằng sự cố trên có thể do một cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng đường ống. Không có nghi phạm nào được chính thức nêu tên. Mặc dù vậy, trên Twitter, cựu ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã nói lời “cảm ơn” Washington kèm theo hình ảnh sự cố rò rỉ khí đốt.
Về phần mình, Moscow gọi đây là một “vụ tấn công khủng bố” và cho rằng Mỹ là nghi phạm tiềm năng.
Trong khi đó, một số nghị sĩ cấp cao của Đức chỉ tay vào Nga, cáo buộc nước này cố gắng “khuấy động sự bất ổn trong dân chúng châu Âu”.
Không thiếu những lời đe dọa từ một số quốc gia phương Tây chống lại các đường ống khí đốt dưới biển của Nga, đặc biệt là Nord Stream 2, cả trước và sau cuối tháng 2, khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đường ống này sẵn sàng bơm khí đốt từ tháng 9 năm ngoái, nhưng không được đưa vào hoạt động do Đức từ chối chứng nhận.
Vào tháng trước, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda yêu cầu đường ống này phải được “loại bỏ hoàn toàn”. Trong khi đó vào đầu tháng 2, trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo nếu Moscow hành động chống lại Kiev, “sẽ không còn Nord Stream 2 nữa. Chúng tôi sẽ chấm dứt nó”. Một nhà báo đã yêu cầu ông nói rõ bình luận này và nhận được câu trả lời từ Tổng thống Mỹ: “Tôi hứa với bạn, chúng tôi có thể làm điều đó”.
Nói trước báo chí hôm 28/9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích thiệt hại đối với các đường ống trên sẽ gây ra một “vấn đề lớn” cho Nga vì nước này về cơ bản đã mất các tuyến đường cung cấp khí đốt tới châu Âu.
Ông Peskov cho biết cả 2 tuyến của đường ống Nord Stream 2 đã được bơm đầy khí đốt và chuẩn chuyển đến châu Âu vào thời điểm vụ nổ được cho là xảy ra.
“Khí đốt này rất đắt và giờ nó đã tan vào không khí” – ông nói.
Ông Peskov cũng lưu ý cả Nga và châu Âu đều không có lợi ích gì từ việc phá hủy các đường ống, đặc biệt là Đức. Sự cố này gây ra mối đe dọa đối với sự phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp Đức cũng như lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của nước này.
Trong khi đó, các quan chức Đức cảnh báo, nếu sự cố không được sửa chữa đủ nhanh, quá nhiều nước biển mặn có thể chảy vào các đường ống nằm dưới đáy biển Baltic và ăn mòn đến mức không thể phục hồi.
Đan Mạch cho biết nhà chức trách của họ có thể tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề này trong 1-2 tuần do “lo ngại về an toàn” – Hãng tin Tagesspiegel của Đức cho biết.