Sự chủ quan

GD&TĐ - Buổi sáng, tôi thường dạo một vòng nơi phố nhỏ nhằm xua đi cảm giác chùng chình, uể oải sau mỗi lần thức dậy.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Khác với dạo trước phố như ngủ im lìm suốt ngày, nay đường sá đã bắt đầu nhộn nhịp, hàng quán cũng khởi động trở lại… Điều đó thật vui, nhưng rồi tôi lại sửng sốt bất ngờ khi gặp không ít người đi trên đường chẳng thèm đeo khẩu trang.

Nhiều người ngồi túm tụm trà nước trong quán xá một cách thoải mái cứ như đã hết dịch Covid-19 rồi. Đó rõ ràng là biểu hiện chủ quan rất đáng lo ngại!

Chủ quan là nhìn nhận mọi sự vật, sự việc, hiện tượng theo cách nghĩ, cách cảm của bản thân một cách phiến diện, cảm tính mà ít căn cứ vào thực tế khách quan. Cách nhìn chủ quan không giúp chúng ta nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất của đối tượng, vì thế cũng không thể đưa ra được những biện pháp phù hợp để ứng xử với đối tượng.

Người chủ quan thường lấy mình làm chuẩn mực, quá tin vào bản thân, suy nghĩ đơn giản dẫn đến lơ là và khó có thể giải quyết tốt vấn đề khi có tình huống bất thường xảy ra.

Nhớ hồi nhỏ chăn bò trên đồng làng. Vì nghĩ bò nhà mình quen ăn đồng làng rồi nên cứ thả vậy, không cần phải theo sau, tôi cứ thoải mái chơi với chúng bạn cả buổi. Nhưng rồi có hôm, bò đi sang đồng làng khác, tìm tới tối mò mới thấy và rồi lại bị lằn mông bởi chiếc roi tre của bố.

Lại nhớ những lần băm bèo thái rau cho lợn. Cũng vì chủ quan, không cẩn thận mà ngón tay trỏ và tay cái trên bàn tay trái đã phải hứng chịu lưỡi dao, đến bây giờ vẫn còn hằn rõ dọc ngang mấy vết sẹo. Sự chủ quan trong sinh hoạt, lao động hàng ngày sẽ làm ta mất tập trung, mất chú ý, dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn như vậy.

Mỗi lần vào những dịp lễ lớn của năm, tôi lại thấy thiên hạ nhiều người có chung cảm xúc vừa mừng vừa lo. Mừng vì được nghỉ ngơi, vui chơi, về với gia đình, quê hương… Nhưng lo thì cũng nhiều, nhất là sợ dịch bệnh Covid lây lan hay xảy ra tai nạn giao thông.

Tâm lý sống chung với dịch bệnh lâu ngày thành quen, không còn biết sợ, khiến nhiều người chủ quan, không còn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, làm dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Tham gia giao thông mà chủ quan, không chú ý tập trung quan sát nơi đông người thì tai nạn xảy ra cũng là điều khó tránh! Tất cả điều đó đều để lại hậu quả dai dẳng và nặng nề cho các cá nhân, gia đình người gặp nạn cũng như cho toàn xã hội.

Ông bà ta thường nói: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, nhưng rồi cũng không quên nhắc nhở: “Biết người biết mặt mà không biết lòng”. Con người ta phải thường xuyên gặp gỡ, giao tiếp, gắn kết,… thì mới cảm thấy thân thiết, hài lòng. Tuy nhiên, khi đã trở nên thân quen, người ta lại thường tin tưởng nhau đến mức mất cảnh giác.

Bởi vậy, sự chủ quan trong các mối quan hệ xã hội dễ khiến ta trở thành người hời hợt, làm các mối quan hệ xã hội có thể trở nên mờ nhạt, dễ đứt gãy, thậm chí còn là cơ hội để kẻ xấu dễ dàng lừa gạt.

Báo chí, truyền thông hàng ngày vẫn cho ta thấy những câu chuyện buồn, vì chủ quan mà ta không kịp nhận ra vợ chồng thay lòng đổi dạ; những kẻ lừa thầy, phản bạn, bán đứng người từng giúp đỡ mình…

Ở tầm vĩ mô trong công tác quản lý chung, sự chủ quan, buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chắc chắn còn gây ra những tác hại to lớn, khôn lường… Bởi nếu chủ quan, mất cảnh giác, rất có thể chúng ta phải trả với cái giá rất đắt!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ