Chuyên gia y tế: Đã có sự chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm.

Hình ảnh người dân chen chúc đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Lê Phú.
Hình ảnh người dân chen chúc đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Lê Phú.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 vừa qua đều đã tiêm vắc xin, gần 1 nửa trong số đó tiêm đủ 2 mũi, một số trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng.

Hiện Hà Nội công bố nâng cấp độ phòng chống dịch từ ""vùng xanh"" lên "vùng vàng", các biện pháp áp dụng chung cho toàn TP tương ứng cấp độ 2. Có 3 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 thuộc "vùng cam" là thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) và phường Cống Vị (quận Ba Đình).

Riêng tổ dân phố Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng đạt cấp độ 4, tức "vùng đỏ".

Hà Nội đã cho phép mở cửa trở lại một số dịch vụ ăn uống tại chỗ nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch Covid -19 và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội vẫn có tình trạng một số cửa hàng quán ăn, quán cà phê hoạt động đón khách bất chấp lệnh cấm cơ sở kinh doanh ăn uống sau 21 giờ tối, vẫn còn tình trạng người dân “vô tư”, chủ quan ngồi ăn tại vỉa hè sau 21 giờ…

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều đã được dự báo trước, vì chúng ta chấp nhận sống chung với dịch. Tuy nhiên, số ca bệnh ngày càng tăng cao là điều đáng quan tâm. Chứng tỏ người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt, đã có sự chủ quan.

Đặc biệt vừa qua, hình ảnh hàng nghìn người chen chúc tại ga Cát Linh để đi trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông trong bối cảnh dịch đang lây lan rộng trong cộng đồng, khiến nhiều người lo ngại dễ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, đây là điều đáng lo ngại, vì dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, dễ lây lan mạnh nếu không đề phòng. Việc những nơi công cộng không đảm bảo giãn cách tiềm ẩn nguy lây lan dịch bệnh cao. Vì hiện nay, đã có nhiều người được tiêm vắc xin phòng COVID-19, nên có thể sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ không biết và đi lại trong cộng đồng, dễ lây nhiễm cho người khác.

Đặc biệt, mặc dù đã đề cao các biện pháp phòng dịch, tiêm chủng cho người dân đạt tỷ lệ cao, nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, khi số lượng người nhiễm trong cộng đồng lớn sẽ ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm, những người không thể tiêm chủng, người già… những đối tượng dễ bị nặng, tử vong.

Còn theo TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, mặc dù đã tiêm vắc xin Covid-19 nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng gia tăng nhanh. Những ngày gần đây, số ca nhiễm trong cộng đồng có ngày từ vài chục ca cho đến hơn 100 ca/ngày. Điều này thể hiện, dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng. Những ca F0 phát hiện được chỉ là những ca “chỉ điểm” vô tình họ đi khám. Đáng nói, những ca nhiễm gần đây chủ yếu là những người lớn đã tiêm vắc xin, có người đã tiêm 2 mũi, còn lại chủ yếu trẻ em chưa được tiêm vắc xin.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cảnh báo: “Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ “tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2". Như vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã thống kê khoảng 80% trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả ổ dịch ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) mới đây, tỷ lệ này cũng chiếm gần 50%”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ