(GD&TĐ) - Nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay. Nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cần phài đổi mới mạnh mẽ để có thể hội nhập với nền giáo dục của khu vực và thế giới. Mục tiêu của giáo dục nước ta hiện nay là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
ảnh minh họa |
Từ xa xưa, cha ông ta đã dạy: Tiên học lễ, hậu học văn, nôm na có thể hiểu rằng: muốn trở thành một người tài giỏi, thì việc trước tiên phải học các quy tắc ứng xử sao cho phải đạo ở đời. Trong thời kỳ hội nhận kinh tế quốc tế hiện nay, khi mà toàn Đảng toàn dân ta đang đang nỗ lực xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, tất cả mọi người đều phải: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì làm sao để mọi mọi tầng lớp nhân dân đều hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật là một điều hết sức cần thiết đặc biệt là đối với đối tượng HSSV.
Hiện nay, học sinh sinh viên (HSSV) nước ta chiếm hơn ¼ dân số cả nước (có khoảng hơn 22 triệu học sinh, sinh viên) và sẽ là lực lượng lao động chính quyết định sự phát triển và vị thế của đất nước trong tương lai. HSSV là đối tượng đang ở trong độ tuổi phát triển vượt bậc về thể chất và thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, đây là độ tuổi thích khám phá, thử nghiệm... do đó dễ bị ảnh hưởng bởi những mặt trái, những tác hại của xã hội. Chính vì vậy, vấn đề giáo dục pháp luật cho HSSV cả nước nói chung và HSSV các khối không chuyên luật nói riêng ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành.
Hiện nay, giáo dục pháp luật trong các trường ĐH,CĐ và THCN được thực hiện bằng nhiều hình thức, nhưng hình thức chủ yếu nhất vẫn là: giáo dục pháp luật thông qua các chương trình môn học có liên quan trực tiếp đến pháp luật và giáo dục pháp luật thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho HSSV.
Vậy nên quan niệm và giới giới hạn chương trình giáo dục pháp luật trong trường ĐH, CĐ và THCN kỹ thuật như thế nào? nên có một chương trình giảng dạy qui mô như thế nào với tính cách là giáo dục hay giảng dạy pháp luật?. Yêu cầu này có phải là yêu cầu đích thực hay không, hay chỉ là mầu mè? còn thực tiễn thì quan niệm giống như giáo dục luân lý chung chung, trừu tượng? có cũng được, mà không có cũng được?
Dĩ nhiên nếu không thực hiện chương trình giáo dục pháp luật trong trường ĐH,CĐ và THCN, chúng ta vẫn đào tạo được những nhà chuyên môn, kỹ thuật. Nhưng vấn đề làm sao để những nhà chuyên môn, kỹ thuật đó trong quá trình học tập và khi ra trường hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình công tác lại là vấn đề hoàn toàn khác. Vậy thì ý nghĩa của giáo dục pháp luật trong các trường ĐH,CĐ và THCN kỹ thuật là ở đâu? Để giải quyết vấn đề này trước tiên chúng ta phải trả lời được câu hỏi. Giáo dục pháp luật là giáo dục cái gì?
Câu hỏi tưởng như rất khôi hài. Nhưng nếu không cẩn thận chúng ta sẽ không xác định được giáo dục pháp luật trong trường ĐH,CĐ và THCN là giáo dục cái gì?.
Với cương vị là một người trực tiếp tham gia giảng dạy và làm công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tôi có một số đề xuất để góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chương trình giáo dục pháp luật trong các trường ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật ở nước ta hiện nay như sau:
Thứ nhất: Phải xác định được rõ mục đích của giáo dục pháp luật :
Xác định mục đích giáo dục pháp luật cho HSSV là một vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc xây dựng chương trình nội dung giáo dục pháp luật và toàn bộ công tác tổ chức thực hiện. Thực tiễn trong thời gian vừa qua cho thấy việc xác định mục đích giáo dục pháp luật cho HSSV các trường ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật ở nước ta chưa được cụ thể và thống nhất, tính định hướng chưa rõ ràng và phần nhiều bị động. Có thể thấy rõ điều đó trong việc xây dựng chương trình, xác định các hình thức giáo dục pháp luật, trong việc tạo lập các điều kiện vật chất bảo đảm cho công tác giáo dục pháp luật đạt kết quả.
Vấn đề then chốt nhất trong việc xác định mục đích của giáo dục pháp luật cho HSSV là phải căn cứ vào mục đích và yêu cầu của đào tạo ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật, xuất phát từ hiện thực khách quan, phù hợp với đối tượng HSSV, tránh khuynh hướng áp đặt chủ quan, những căn cứ đó có thể là:
- Phải xuất phát từ nhu cầu giáo dục và đào tạo toàn diện cho sinh viên.
- Phải xuất phát từ thực trạng tình hình hiểu biết pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật của HSSV hiện nay rất thấp, tri thức pháp luật của họ hầu như không đáng kể.
- Phải xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi.
Việc xác định mục đích của giáo dục pháp luật sẽ quy định việc xác định hình thức, phương tiện, phương pháp và nội dung của giáo dục, đồng thời còn giúp cho việc xác định hiệu quả của quá trình giáo dục. Không dựa vào mục đích của giáo dục pháp luật, chẳng những không thể đánh giá mà còn không thể tiến hành tìm kiếm các chỉ số xác định hiệu quả của giáo dục pháp luật. Với ý nghĩa như vậy, mục đích của giáo dục pháp luật được xác định như trên là phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu của xã hội ta, phù hợp với thực tiễn để có khả năng trở thành hiện thực và giúp ích cho việc đánh giá, nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật ở nước ta trong từng thời kỳ.
Thứ hai: Phải xác định được nội dung và đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục pháp luật trong các trường ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật:
Khi đã xác định rõ được mục đích yêu cầu thì vấn đề cần phải giải quyết tiếp theo là nội dung chương trình giáo dục pháp luật, tức là dạy và học những gì? nội dung dạy và học pháp luật trong nhà trường phải đảm bảo sự cân đối trong toàn bộ chương trình giáo dục nhất là trong tình hình tiếp tục điều chỉnh cải cách giáo dục hiện nay, nhiều môn học mới đã và sẽ đưa vào chương trình học tập. Tính cân đối của nội dung giáo dục pháp luật nằm trong toàn bộ hệ thống các môn học nói chung và trong nội dung giáo dục về chính trị, tư tưởng và đạo đức nói riêng, phải được đảm bảo. Do vậy nội dung giáo dục pháp luật qúa sơ lược hoặc ngược lại quá nặng nề, tách rời một cách cô lập với các môn học khác là không khoa học và không thực tế. Nội dung giáo dục pháp luật phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và quy luật nhận thức của HSSV. Hiện nay việc giáo dục pháp luật trong các trường ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật ở nước ta cho đến nay nhìn chung vẫn chưa được tổ chức, triển khai có quy củ, thống nhất trong cả nước. Nội dung, chương trình còn lạc hậu, chưa được xây dựng hoàn thiện, chưa thiết kế liên thông giữa các cấp, bậc, trình độ đào tạo và chưa được quan tâm đúng mức nên việc thực hiện còn tùy tiện; thời gian giành cho giáo dục pháp luật đã quá ít lại bị cắt xén hoặc bỏ trống (chẳng hạn hệ trung cấp chuyên nghiệp chỉ có 30 tiết, công nhân kỹ thuật chỉ có 15 tiết). Giáo viên dạy pháp luật phần lớn là giáo viên chính trị kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên ngành pháp lý một cách có hệ thống nên vị trí của giáo dục pháp luật bị lu mờ, coi nhẹ. Nhiều trường chỉ mời giáo viên ở ngoài về dạy, nội dung “khoán trắng” cho giáo viên được mời nên các bài giảng không có hệ thống, chắp vá, rời rạc; thường dạy các chuyên đề về pháp luật thực định có liên quan đến chuyên ngành đào tạo, ít chú ý đến lý luận chung về nhà nước và pháp luật, vì thế sinh viên khó tiếp thu, không hứng thú học pháp luật.
Để khắc phục những thiếu sót, nhược điểm nêu trên, với tính cách là một bộ môn khoa học xã hội, chương trình môn học pháp luật ở các trường ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật phải được nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện, trên cơ sở đó đi vào nghiên cứu những vấn đề cụ thể, thiết thực đối với từng loại đối tượng HSSV. Đó vừa là yêu cầu về nội dung, vừa là yêu cầu về phương pháp giáo dục pháp luật trong nhà trường. Trước mắt, phải sớm xây dựng chuẩn Quốc gia về giáo dục pháp luật cho các trường ĐH, CĐ và THCN không chuyên luật bao gồm một số điểm chủ yếu sau:
- Định chuẩn khung chương trình giáo dục pháp luật, định chuẩn về nội dung khoa học của môn học về pháp luật
- Định chuẩn cho giáo viên giảng dạy về pháp luật.
- Định chuẩn đánh giá trong giáo dục pháp luật ở các trường , CĐ và THCN không chuyên luật.
Bên cạnh đó cần tập trung giải quyết các vấn đề: Chương trình, giáo trình, tài liệu, giáo viên dạy pháp luật và cơ chế phối hợp triển khai thực hiện.
Ngô xuân Bình