Storm Shadow bị đánh chặn khi chưa kịp phóng?

GD&TĐ -Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vừa chính thức xác nhận, London đang chuyển tên lửa hành trình tàng hình Storm Shadow cho Không quân Ukraine.

Ukraine hy vọng Storm Shadow sẽ giúp thay đổi cán cân cuộc chiến.
Ukraine hy vọng Storm Shadow sẽ giúp thay đổi cán cân cuộc chiến.

Xác nhận được ông Ben Wallace đưa ra trong tuyên bố hôm 11/5: "Tôi có thể xác nhận Anh đang viện trợ tên lửa Storm Shadow cho Ukraine. Hệ thống vũ khí này sẽ giúp Ukraine có cơ hội tốt nhất nhằm tự vệ".

Ông Wallace nói thêm rằng tên lửa Storm Shadow sẽ hỗ trợ Kiev đẩy lùi lực lượng trong Chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cùng với đó, một quan chức quân sự Mỹ cũng cho biết xét về tầm bắn, Storm Shadow là vũ khí thay đổi cuộc chơi, mang lại năng lực mà Ukraine đã yêu cầu từ khi chiến sự bùng phát.

Tuy nhiên, vị quan chức này thừa nhận, dù Storm Shadow đến Ukraine vào lúc này nhưng chúng vẫn chưa thể tham chiến do quá trình hoán cải những chiếc Su-24M của Ukraine để mang được Storm Shadow vẫn chưa hoàn thành.

Theo đánh giá của trang War Zone, Storm Shadow chính là vũ khí có thể giúp lực lượng Kiev thay đổi cán cân cuộc xung đột với Moscow. Tên lửa có thể phá hủy boongke, cơ sở hạ tầng kiên cố, các mục tiêu di động hoặc cố định chẳng hạn như trung tâm chỉ huy và điều khiển, sân bay, bến cảng và trạm điện.

Tên lửa Storm Shadow sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và tham chiếu địa hình. Vũ khí này có trọng lượng khoảng 1.300 kg với phần chiến đấu nặng tới 450 kg.

Khi chiến đấu, Storm Shadow được dẫn đường bởi hệ thống đo lường quán tính, cập nhật đường bay thông qua bản đồ địa hình kỹ thuật số và định vị vệ tinh GPS. Tên lửa có thể được lập trình đường bay và mục tiêu trước khi phóng nhằm giảm can thiệp của con người sau khi phóng.

Chuyên gia Nga đánh giá sức mạnh thật

Trong khi phương Tây đánh giá là vũ khí có thể giúp Kiev thay đổi cuộc chơi thì theo đánh giá của chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov, Storm Shadow không phải là mối họa bởi chúng có thể bị phòng thủ và không quân Nga vô hiệu ngay từ khi Su-24M Ukraine chưa kịp phóng.

"Do Storm Shadow có tầm bắn khoảng 260km, nếu muốn tấn công chính xác vào mục tiêu nằm sau chiến tuyến Nga, máy bay Su-24M mang phóng buộc phải tiến gần tới vị trí triển khai vũ khí đánh chặn Nga, lúc đó chúng đã lọt vào tầm đánh chặn của lưới lửa phòng không.

Lúc đó, bắn hạ những chiếc cường kích thế hệ cũ như Su-24M của Ukraine không phải là vấn đề lớn. Bằng chứng là lực lượng phòng không và không quân Nga đến nay đã khiến lực lượng không quân Ukraine gần như cạn kiệt máy bay do bị Moscow bắn rơi quá nhiều", vị chuyên gia Nga nói.

Theo tiết lộ của vị chuyên gia này, hiện lực lượng Nga đang triển khai lưới lửa đánh chặn nhiều tầng tại Ukraine để đối phó với loạt mục tiêu khác nhau. Trong đó có tổ hợp Pantsir, Buk-M3, S-300PMU2, Tor-M2 cùng nhiều vũ khí đánh chặn tầm gần khác.

Cùng với đó, phi đội tiêm kích Su-35 đã chứng minh khả năng đánh chặn đáng sợ của mình khi nhiều lần đánh chặn thành công chiến đấu cơ MiG-29, Su-24 và Su-25 của Ukraine.

Đến nay, Ukraine nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa với lý do loại vũ khí này có thể giúp họ tập kích mục tiêu Nga tại vùng Donbass và bán đảo Crimea, từ đó thay đổi cục diện chiến trường.

Tuy nhiên, Mỹ nhiều lần từ chối chuyển giao tên lửa đạn đạo ATACMS có thể phóng từ HIMARS, với tầm bắn 300km tương tự Storm Shadow, do lo ngại Ukraine dùng chúng tập kích mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga và khiến chiến sự leo thang.

Anh hiện là quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều thứ hai sau Mỹ, với lượng vũ khí trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Giới chức Anh hồi tháng 1 thông báo chuyển 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, động thái mở đường cho Mỹ, Đức và một số quốc gia khác viện trợ xe tăng chủ lực cho Kiev.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ