Trong tuyên bố hôm 6/5, Đại tá Yuri Ignat, phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine khẳng định: "Tôi đã phủ nhận hàng nghìn lần rồi, lẽ ra các bạn nên nhìn thấy tên lửa bị đánh chặn vào ngày hôm qua, trong đó không có tên lửa đạn đạo nào của lực lượng Nga phóng đi.
Chính vì vậy, thông tin được tờ Defense Express và một số hãng truyền thông của Kiev đăng tải về việc tổ hợp Patriot do Mỹ cung cấp đánh chặn thành công tên lửa Kinzhal là không chính xác".
Vị phát ngôn viên này cho biết thêm, hình ảnh của quả tên lửa bị đánh chặn được công bố chỉ là phần vỏ của quả đạn do hệ thống S-300 Nga phóng đi hoặc một phiên bản khác của tên lửa Kh-22.
Trước đó, truyền thông Ukraine dẫn lời Tướng Mykola Oeshchuk, tư lệnh không quân Ukraine cho biết: "Xin chúc mừng người dân Ukraine về sự kiện lịch sử. Đúng thế, chúng tôi đã bắn hạ tên lửa vô song Kinzhal của Nga".
Tướng Oeshchuk nói rằng quả đạn Kinzhal bị hệ thống phòng không Patriot bắn hạ trên bầu trời Kiev rạng sáng 4/5. Quân đội Ukraine trước đó không đề cập thông tin tên lửa Kinzhal được Nga sử dụng cho cuộc tập kích Kiev. Hiện Nga vẫn chưa có phản ứng chính thức nào với thông tin này.
Ukraine tuyên bố đã nhận được hai hệ thống Patriot do Mỹ, Đức và Hà Lan cung cấp hồi tháng 4/2023. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định chúng sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga.
Trước khi truyền thông Kiev đăng tải về thông tin đánh chặn được Kinzhal, Trung tâm Stratcom thuộc Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine cũng khẳng định, hệ thống Patriot là vũ khí duy nhất có thể giúp đối phó với tên lửa siêu thanh Kinzhal.
"Hệ thống đánh chặn Patriot của Mỹ có khả năng đối phó với tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal. Đó là lý do tại sao vũ khí này phải đến Ukraine càng sớm càng tốt", Trung tâm Stratcom tuyên bố.
Một số lãnh đạo của trung tâm này nhấn mạnh Patriot là hệ thống duy nhất có thể bảo vệ đất nước khỏi Kinzhal và các tên lửa siêu vượt âm khác của quân đội Nga.
Đánh giá về tuyên bố của Ukraine, tạp chí quân sự hàng đầu của Mỹ là Defense News cho rằng, dù Patriot hiện là quân bài chủ lực của phòng thủ Mỹ và nhiều nước châu Âu nhưng đối phó với vũ khí nhanh và quỹ đạo bay phức tạp như Kinzhal là điều không thể.
Đây chính là lý do khiến Mỹ luôn đau đầu tìm cách đối phó với tên lửa siêu thanh Nga nhưng vẫn chưa có lời giải trong khi châu Âu phải bắt tay thực hiện dự án Phòng thủ Đánh chặn Siêu thanh (EU HYDEF).
Chương trình bao gồm việc phát triển một hệ thống đánh chặn nội khí quyển cho các mối đe dọa từ năm 2035.
Mục tiêu của chương trình này là đưa ra một biện pháp đối phó có thể tích hợp vào hệ thống phòng không hiện nay với khả năng cảnh báo sớm, theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không ở hiện tại và tương lai, bao gồm tên lửa đạn đạo và siêu thanh.
Trong khi đó, dòng tên lửa Kinzhal mà truyền thông Ukraine tuyên bố đánh chặn được là vũ khí siêu vượt âm có tốc độ tối cực đại trên Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh). Với quỹ đạo bay phức tạp và tốc độ rất cao, vũ khí siêu vượt âm có khả năng sát thương cao hơn và gần như không thể bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ hiện nay.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018. Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cho rằng Kinzhal là vũ khí có tác động lớn nhưng không tạo ra nhiều khác biệt, ngoại trừ việc gần như không thể bị đánh chặn.