Sri Lanka: Thầy trò khốn đốn vì cuộc khủng hoảng điện

GD&TĐ - Chính phủ phải cắt điện luân phiên từ tháng 1 do giá dầu toàn cầu tăng và tình hình trở nên bi đát hơn do cuộc giao tranh tại Ukraine, kèm theo là khủng hoảng kinh tế khi dự trữ ngoại hối quốc gia thấp kỷ lục.

Học sinh Sri Lanka học với nến vì mất điện.
Học sinh Sri Lanka học với nến vì mất điện.

Đợt mất điện tồi tệ nhất trong hơn 25 năm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh và giáo viên vào thời điểm nhiều người đang học trực tuyến. 

Những rắc rối

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á về học tập trực tuyến trong đại dịch Covid-19 công bố vào tháng 9/2020, Sri Lanka đã thực hiện một bước chuyển đổi đáng kể sang giáo dục trực tuyến cho sinh viên để ứng phó với đại dịch. Một cuộc khảo sát được trích dẫn trong báo cáo cho biết, 90% sinh viên được hỏi ở Sri Lanka nói họ có thể tiếp cận với các lớp học trực tuyến của trường đại học.

Tuy nhiên, với tình trạng cắt điện liên tục, việc dạy và học trực tuyến đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phụ huynh và giáo viên thừa nhận, cuộc khủng hoảng điện diễn ra kèm với đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của sinh viên.

Kể từ cuối tháng 1, Sri Lanka đã áp dụng hình thức cắt điện kéo dài hàng giờ mỗi ngày trên cơ sở luân phiên từ 8 giờ sáng đến 11 giờ tối. Cuộc khủng hoảng này trở nên sâu sắc hơn, kể từ tuần đầu tiên của tháng 3 trở đi, tình trạng mất điện kéo dài 7 giờ đã xảy ra gần như hàng ngày. Đây là đợt cắt điện dài nhất trong 26 năm qua tại Sri Lanka.

Mất điện khiến giảng viên phải dừng các lớp học trực tuyến và các trường đại học phải hoãn các kỳ thi. Nghiên cứu sinh Anushka tại Đại học Peradeniya ở Kandy cho biết, sinh viên không thể nộp báo cáo học tập trước thời hạn.

“Đây là một tình huống khủng khiếp, chúng tôi không thể làm luận án. Máy tính không thể hoạt động, wi-fi cũng vậy. Tôi không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn”, cô nói.

Cuộc khủng hoảng điện đã buộc sinh viên phải học bằng đèn dầu và nến. Sự việc này khiến nhiều tầng lớp trong xã hội lên tiếng phản đối.

Khoảng 25% điện của Sri Lanka đến từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu. Nhưng thiếu hụt ngoại hối trầm trọng, một phần do sự sụp đổ của lĩnh vực du lịch trong đại dịch và lượng khách Nga giảm (Sri Lanka là điểm du lịch ưa thích của du khách Nga), chính phủ đã không thể mua đủ dầu. Một số nhà máy điện phải dừng hoạt động do thiếu nhiên liệu.

Sri Lanka đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trong vài năm. Theo Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, dự trữ ngoại hối của nước này giảm xuống còn 2,36 tỷ USD vào tháng 1/2022. Vào năm 2019, con số này cao gấp hơn 3 lần, đạt khoảng 7,5 tỷ USD.

Việc thiếu ngoại hối cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng nhập khẩu bao gồm thực phẩm, thuốc men, xi măng, phân bón và phụ tùng xe hơi. Các siêu thị đã bị buộc phải phân chia các loại thực phẩm thiết yếu.

Một học sinh Sri Lanka học trực tuyến cùng với đèn dầu.
Một học sinh Sri Lanka học trực tuyến cùng với đèn dầu.

Hủy kỳ thi

Ngày 18/3, kỳ thi cuối kỳ của các trường học ở tỉnh miền Tây đất nước và các nơi khác bị hủy bỏ do thiếu giấy và các vật liệu khác.

Khi cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã có bài phát biểu trước quốc gia vào ngày 16/3, trong đó yêu cầu dân chúng hạn chế càng nhiều càng tốt việc sử dụng nhiên liệu và điện trong thời kỳ khủng hoảng.

Khoảng 350 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học từ ngày 7/2 đến 5/3 cho biết họ phải đối mặt với khó khăn do khủng hoảng điện. Mặc dù Bộ Giáo dục đã yêu cầu Hội đồng Điện lực không cắt điện trong thời gian diễn ra kỳ thi, nhưng cơ quan này không thể làm theo yêu cầu do thiếu nguồn cung dầu.

“Chúng tôi học chủ yếu vào ban đêm, nhưng khi cắt điện, chúng tôi phải dùng nến” – thí sinh Praveen Lakith nói và cho biết thật không dễ dàng gì để thích nghi với những ánh đèn mờ ảo đó.

“Ngày nay, hầu hết học sinh đều sử dụng điện thoại thông minh và máy tính để học. Chính phủ nên ngay lập tức cho phép sinh viên học tập mà không gặp bất kỳ rắc rối nào”, Priyadarshani – phụ huynh của một học sinh 18 tuổi ở Mathugama bức xúc.

Theo ông Prasanna Bandara, Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Đại học Ruhuna, giáo viên và nhân viên các trường gặp phải không ít những bất tiện nghiêm trọng.

Ông cho biết, do bị cắt điện hàng ngày, cả người dân và sinh viên đại học đang gặp vấn đề. Một số khoa có các kỳ thi nhưng không thể sử dụng máy tính. Ông yêu cầu chính phủ và các cơ quan quản lý giáo dục giải quyết ngay các vấn đề học tập nảy sinh trong hệ thống giáo dục đại học do cuộc khủng hoảng điện gây ra.

Người dân Sri Lanka xếp hàng mua dầu diesel.
Người dân Sri Lanka xếp hàng mua dầu diesel.

Không có kế hoạch thích hợp

Các tổ chức công đoàn đổ lỗi cho sự quản lý yếu kém của chính phủ và cho rằng nhà chức trách không có kế hoạch thích hợp để bảo đảm nguồn cung cấp điện hoặc nhiên liệu. Cũng không rõ cuộc khủng hoảng này kéo dài bao lâu khi Sri Lanka phải quay sang nước láng giềng Ấn Độ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để được hỗ trợ.

Joseph Stalin - Tổng Thư ký của Liên đoàn Giáo viên SriLanka cho biết, chính phủ không đưa ra một cơ chế quản lý cho cuộc khủng hoảng điện này.

Theo Ủy ban Điện Sri Lanka, gần 65% sản lượng điện của nước này được tạo ra từ nhiệt điện, trong đó 25% từ dầu và 40% từ than đá. Thủy điện chiếm 1/3 sản lượng điện cả nước, trong khi chỉ có 5% là từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Sri Lanka đặt mục tiêu đạt 70% tổng sản lượng điện của đất nước từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Chính phủ cũng lên kế hoạch chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy quá trình khử carbon và đưa Sri Lanka trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ