Sri Lanka đặt tham vọng trở thành trung tâm GD ở châu Á

GD&TĐ - Với vị trí chiến lược là trung tâm giao thương ở Nam Á và với quyết tâm nghiêm túc về việc đưa đất nước phát triển, Sri Lanka đặt ra những mục tiêu rất cụ thể để thực hiện các tham vọng.

Giáo sư GL Peiris nói về lợi thế chiến lược của Sri Lanka trong tham vọng xây dựng trung tâm GD ở châu Á
Giáo sư GL Peiris nói về lợi thế chiến lược của Sri Lanka trong tham vọng xây dựng trung tâm GD ở châu Á

Bắt đầu từ Colombo

Dù gây ra rất nhiều tranh cãi trong nước cũng như quốc tế, chủ yếu xuất phát từ đối tác đầu tư, nhưng chính phủ Sri Lanka vẫn quyết tâm thúc đẩy dự án thành phố cảng Colombo để xây dựng vùng cảng trở thành mũi nhọn không chỉ về kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa, trí tuệ của đất nước.

Là một phần của dự án phát triển của thành phố quy mô trong tương lai, Colombo sẽ không chỉ có cảng biển để đón những con tàu khổng lồ chuyên trở hàng hóa. Thành phố này sẽ có một ngôi trường quốc tế mang đẳng cấp thế giới. Nó không phải là ý tưởng hay dự thảo trên đề án, mà đã thực sự được triển khai trên thực tế.

Trao đổi với The PIE News, Giáo sư GL Peiris, cựu Phó Hiệu trưởng của ĐH Colombo (trường ĐH lớn và lâu đời nhất của Sri Lanka) và gần đây nhất vừa mãn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Sri Lanka, đã đề cập khá chi tiết đến kế hoạch phát triển GD của chính phủ và về “lịch sử lâu dài” của GD ĐH Sri Lanka.

Lưu ý rằng, đất nước này đã thu hút sinh viên từ Pakistan, Ấn Độ và Malaysia, Giáo sư GL Peiris cho biết, chính phủ đã quan tâm để đảm bảo 13 trường ĐH của mình sẵn sàng đáp ứng nhu cầu được GD nghề nghiệp cho người học cũng như đòi hỏi của xã hội.

ĐH Colombo là niềm tự hào của GD ĐH Sri Lanka hiện nay
  • ĐH Colombo là niềm tự hào của GD ĐH Sri Lanka hiện nay

Khi GD đi cùng với thương mại

“Sri Lanka tham gia vào một chương trình đổi mới đầy tham vọng trong GD và một trong những đặc điểm của chương trình, đó là liên kết chặt chẽ hơn với lĩnh vực kinh doanh”, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka nêu rõ.

Theo ông, các trường ĐH ở quốc gia Nam Á này không còn bị cô lập bởi các vấn đề tôn giáo hay những ràng buộc truyền thống; trái lại, một nỗ lực có ý thức đang được thực hiện để xác định nhu cầu của thị trường. Các trường sẽ phải tìm hiểu xem thị trường cần gì về nguồn nhân lực, những kỹ năng hay trình độ nào phải chú trọng trong đào tạo, người học đòi hỏi sẽ được trang bị những gì để có thể đáp ứng yêu cầu sau tốt nghiệp…

Cựu Phó Hiệu trưởng của ĐH Colombo nói thêm rằng, các tổ chức GD tư nhân đang được khuyến khích thành lập ở Sri Lanka - một điều mà chỉ vài năm trước không ai có thể hình dung được - vì “hệ thống trường ĐH của chính phủ đang đạt đến điểm bão hòa”.

Ông cũng nói rằng, việc tăng cường đầu tư vào phát triển đất nước như hiện hay sẽ giúp Sri Lanka được chú ý: “Người học, các cơ sở đào tạo, các học giả sẽ được khuyến khích xem xét nghiêm túc việc coi Sri Lanka như một nơi để học tập và làm việc”.

Những tiền đề cho tham vọng lớn

Các phát biểu của Giáo sư GL Peiris được nêu lên tại Hội nghị đối tác kinh doanh Navitas vừa diễn ra, được tổ chức trùng với lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ACBT, một trường tư thục thuộc đồng sở hữu của Navitas và một cổ đông địa phương.

Erath Karunaratne, Giám đốc điều hành của ACBT (vốn có ba cơ sở đào tạo trong nước) chia sẻ với truyền thông rằng, sự hấp dẫn về an toàn và du lịch của Sri Lanka sẽ giúp tăng cường tham vọng về việc phát triển đất nước thành một trung tâm nghiên cứu và GD ở châu Á.

“Không có nhiều nơi mà bạn có thể so sánh (với Sri Lanka) về những trải nghiệm văn hóa, cuộc sống về đêm, bãi biển và tất nhiên là sự tiết kiệm trong chi phí” - Karunaratne phân tích. Ông nói thêm rằng với tỷ lệ biết chữ cao và tiếng Anh được nói bởi 90% dân số, việc giao lưu và hợp tác sẽ rất dễ dàng với Sri Lanka cũng như người nước ngoài khi đến với đất nước này.

Sự kết nối mang tính toàn cầu trong GD cũng là một lợi thế lớn. Chẳng hạn đối với ACBT, sinh viên theo học ở các cơ sở thuộc hệ thống GD này (dù sinh viên trong nước hay lưu học sinh quốc tế) sẽ học tập tại Sri Lanka phần lớn thời gian và lấy bằng từ ĐH Edith Cowan của Úc, sau khi đã có năm cuối cùng được học tại chính ĐH Edith Cowan bên Úc.

“Hình thức hợp tác đào tạo này khá phổ biến và đã được chứng minh về tính hiệu quả nhưng vẫn rất tiết kiệm đối với người học trên khắp thế giới” - Giáo sư GL Peiris nói về việc nhiều sinh viên hoàn thành một bằng cấp nước ngoài một phần ở Sri Lanka và sau đó xuất ngoại hoàn thành nốt chương trình với các tổ chức đối tác ở các nước như Dubai, Malaysia. “Điều đó đang trở nên cực kỳ phổ biến và hiệu quả” - ông khẳng định.

Theo The PIE News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ