"Sốt ảo" và "sốt thật"...

GD&TĐ - Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng “sốt đất”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điều đáng nói là là tình trạng này chủ yếu là “sốt ảo” - do “cò đất” lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá, thậm chí sử dụng nhiều chiêu trò để “bẫy” các nhà đầu tư...

Điển hình cho tình trạng này là cơn “sốt đất” tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cách đây chưa lâu. Lý do rất đơn giản là một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch để xây sân bay Téc-ních. Dù vậy, thực tế “cơn sốt” này được tạo ra bởi một nhóm người trước đây đã mua đất với giá rẻ.

Sau khi tỉnh Bình Phước kiến nghị xây dựng sân bay, nhóm người này đã tạo cơn sốt để lôi kéo người mua. Kết quả là giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn nhưng nhu cầu sử dụng đất không có thật. Hầu hết các giao dịch thực hiện bằng hình thức sang tay.

Một ví dụ khác là tại Hội thảo Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19: Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình có kể câu chuyện rằng nhà đầu tư từng tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp gọi điện đề xuất về đấu giá, nâng giá đất lên...

Vị Bí thư Tỉnh ủy này đã trả lời rằng không cần nâng giá đất. Bởi việc đấu giá không đúng sẽ khiến giá đất ngày càng tăng lên, trong khi theo quan điểm của ông, nguồn lực đất đai không phải được đo đếm bằng nguồn thu ngân sách mà cần đánh giá bằng việc khai thác, sử dụng hiệu quả.

Về lý thuyết sốt đất là hiện tượng giá đất tăng đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn, chủ yếu xuất phát từ “hiệu ứng đám đông” khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên do nguồn cung hạn chế.

Tuy nhiên, những “cơn sốt thật” này rất dễ trở thành “sốt ảo” khi giá đất không còn phản ánh đúng giá trị và nhu cầu thực tế mà chỉ dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi; là do nhu cầu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ...

Ở góc nhìn khác, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đầu tư “lướt sóng” theo đám đông là nguyên nhân gây ra những cơn sốt ảo, đẩy giá nhà đất tăng nhanh và tăng cao so với giá trị thật, dẫn đến hỗn loạn thị trường.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương, lợi dụng nhu cầu đầu tư có thật của người dân đã xuất hiện các thông tin không đúng về quy hoạch và dự án. Thậm chí, “cò đất” còn lợi dụng các ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, “tạo sóng”; rao bán đất không đúng, không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy, nguyên nhân căn cốt dẫn đến “sốt đất” tại nhiều địa phương chủ yếu xuất phát từ các chủ trương quy hoạch, đầu tư của doanh nghiệp và nhà nước chứ không phải dựa trên các căn cứ về quy hoạch cụ thể, rõ ràng hoặc do “rò rỉ” thông tin - tất nhiên tính chính xác không thể kiểm chứng rằng vùng này, khu vực này sẽ có dự án này, dự án kia.

Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng này, điều quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch thông tin về quy hoạch. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn và đặc biệt là hệ thống pháp luật phải hoàn thiện hơn, phải có chế tài để xử lý, điều chỉnh các dấu hiệu, hiện tượng bất thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.