(GD&TĐ) - Sau gần bảy năm chung sống, chị Hoài Thu, nhân viên bưu điện quận Tân Phú (TP.HCM) mới nhận ra chồng mình có những áp đặt vô lối. Anh Quý tuy không ngăn cản hay bác bỏ những yêu cầu nào của vợ, nhưng cũng không tạo cho chị cơ hội nào để thực hiện những ước mơ chị từng ấp ủ. Sau một ngày làm việc về nhà mệt mỏi và căng thẳng, chị Thu cứ mải tất bật với bao việc không tên trong nhà mà hiếm khi có chồng đỡ đần một tay.
Sống ngược ý mình
Trước khi lập gia đình, chị Thu chỉ mới có bằng trung cấp bưu điện, nên ước mơ được thăng tiến trong công việc nhờ bằng cấp vẫn cứ đeo đuổi chị. Vậy nhưng, chồng chị lại không muốn vợ học nữa. Anh không hề cấm đoán vợ, mà chỉ đưa ra những lý do hết sức khách quan để cản đường học hành của chị. Nào là con còn nhỏ, cha mẹ cứ bệnh tật liên miên, phải dành dụm cho con cái học hành mai sau… Nghe chồng phân tích, chị Thu chấp nhận từ bỏ ước mơ, nhưng lòng chị không khỏi bất mãn vì cách nghĩ của chồng. Anh chỉ mượn gia đình làm cái cớ để làm khó, áp đặt vợ một cách tinh vi mà chị đành chào thua. Cũng từ đó, gia đình họ trở nên im ắng, không ồn ào những cũng chẳng tìm thấy đâu tiếng cười.
Càng nghĩ, chị Thúy càng cảm thấy khó chịu khi mỗi lần nghe chồng “khuyến cáo” mình việc đi siêu thị mỗi tuần hai lần. Chưa hết, chị đi làm tóc cũng bị anh phê bình, nhận xét này nọ càng bực mình thêm. Biết chồng không phải ngại tốn tiền, chỉ không muốn vợ đàn đúm. Nhớ lại lúc quen nhau, khi nghe người yêu bày tỏ: “Thấy em thân mật với ai anh cũng không thích”, chị Thu cảm thấy hạnh phúc vì nghĩ đó là biểu hiện của trái tim đang yêu. Còn giờ đây, trước những suy nghĩ, áp đặt của chồng mình, chị cảm thấy anh quá ích kỷ và nhỏ mọn. Anh chỉ muốn vợ quanh quẩn xó bếp mới vừa lòng. Vậy nhưng trong mắt anh, chị là người có phước mà không biết hưởng. Tuy chị không phải làm lụng vất vả gì, nhưng tinh thần luôn bị cảm thấy tù tùng và ngột ngạt.
Ảnh MH |
Khác với những tình huống trên, anh Hùng luôn cảm thấy bị vợ mình kềm cặp mỗi khi cả hai xuất hiện ở chốn đông người. Chị Luyến, vợ anh là dân kinh doanh, giao thiệp rộng, trong khi anh Hùng tính tình điềm đạm, kín đáo, không thích gặp gỡ người này người kia. Biết vậy, nhưng không muốn đơn thân độc mã tại những buổi chiêu đãi, tiệc tùng, chị thường “ép” chồng đi chung, mặc cho anh khó chịu phản đối. Tìm hết cách này đến cách khác, chị Luyến buộc chồng làm theo ý mình cho bằng được và chị thường nói với chồng: “Quen biết nhiều người có nhiều cái lợi lắm. Anh cứ làm theo ý của em, chỉ tốt cho anh thôi!”.
Có những cách buộc người bạn đời phải làm và sống theo ý mình một cách khéo léo mà chính người trong cuộc có nhận biết cũng đành buông xuôi theo. Ai cũng muốn được sống theo ý mình, cho dù trước hay sau khi bước vào đời sống hôn nhân, vì thế chuyện ép buộc hay ràng buộc nhau là điều cần tránh. Tuy nhiên, người trong cuộc cần nhận thức hôn nhân tự do phải đồng hành với việc lắng nghe và biết chấp nhận ý kiến của nhau. Tất cả đều hướng về mục đích chung là tình yêu và sự thấu hiểu giữa đôi bên.
Được sống theo ý mình
Chia sẻ vấn đề này, anh Tâm- trưởng phòng một công ty xây dựng, cho biết trong gia đình anh, ai cũng có thể sống tự nhiên theo tính cách của mình. Anh so sánh gia đình cũng giống như cơ quan làm việc, không nên áp đặt nhau. Mọi thành viên cần cảm nhận mình có tự do và biết tôn trọng tự do của người khác. Mỗi thành viên trong gia đình anh cùng đưa ra những nguyên tắc riêng về tự do, nhưng không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Có nghĩa là mỗi người tự do đề ra những gì được và không được phép làm. Nếu không muốn bị áp đặt, đừng nên gây tổn thương cho người khác cũng như đừng tổn hại cho gia đình chung. Theo anh: “Vợ tôi càng được tự do, cô ấy càng yêu chồng hơn, muốn chia sẻ với tôi nhiều hơn”. Ngược lại, nếu thấy tôi mặc chiếc áo không thích, cô ấy buột miệng: “Anh mặc màu áo này không hợp lắm” nhưng không quên kèm theo câu khích lệ: “Nhưng nếu thích, anh cứ mặc”.
Với chị Trang, tiểu thượng chợ Bình Tây, khi nhắc đến chồng mình, chị đều vui vẻ cho biết: “Anh ấy luôn tôn trọng vợ và không can thiệp vào cách sống của tôi. Tuy nhiên, anh ấy chỉ áp đặt việc muốn tôi dùng thêm trang sức do anh ấy mua tặng sau những chuyến dài ngày công tác xa nhà. Nếu anh ký được hợp đồng có lời, không bao giờ quên mua tặng tôi lúc sợi dây chuyền, khi chiếc nhẫn, đôi hoa tai. Theo anh, phụ nữ đeo trang sức mới đúng là phụ nữ. Lúc đầu, tôi cũng không thích nhưng khi đeo thử, bạn bè ai cũng khen tôi hợp với nữ trang. Từ đó, tôi luôn vui vẻ chiều theo sự ‘áp đặt’ của chồng mình”.
Tiếng nói từ trái tim
Không ít cặp vợ chồng dựa vào “chiêu bài” tình yêu để có cách cư xử mang tính áp đặt lẫn nhau. Mâu thuẫn của tình yêu và hôn nhân là khi cảm nhận được sự tự do, được quyền sống theo ý mình một cách có kiểm soát. Ngược lại, nếu phải sống trong cảnh áp đặt, cố ý làm bạn đời cảm thấy thiếu thoải mái, bị ràng buộc quá đáng…sẽ dẫn đến tức nước vỡ bờ. Ở mức độ nhẹ, sự áp đặt có thể gây xào xáo trong gia đình, còn nặng hơn hậu quả sẽ càng khó lường. Nguyên tắc của đời sống hôn nhân là không thống trị bạn đời của mình. Thay vào đó, cả hai cần giúp nhau phát triển, đạt được những điều mà mỗi người mong muốn cho bản thân mình. Không nên nói với chồng, vợ mình những câu đại loại như: “Anh (em) không muốn em (anh) phải thế này, thế khác…”, chỉ nên quan tâm, lắng nghe những nguyện vọng, mong muốn của bạn đời để động viên và giúp đỡ. Vậy cho nên, câu nói “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” bao giờ cũng có lý.
Hà Tiên