Song song nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị tập huấn công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc sáng 6/3, song song nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước để đảm bảo an ninh y tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine COVID-19 là nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn cầu.

Nói về vaccine nhập khẩu sắp tiêm cho người dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong lịch sử triển vaccine, đây là vaccine phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Nhưng cũng vì thế do thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu ở một số vaccine, thời gian bảo vệ có khác nhau.

Có đơn vị thời gian bảo vệ lên tới 2 năm, 1 năm, có đơn vị khẳng định chỉ được 6 tháng…

“Do đó song song nhập khẩu vaccine, Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19 trong nước để đảm vấn đề an ninh y tế vaccine” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Do lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vắc xin mới, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, công tác truyền thông lần này rất quan trọng.

Trước đó, tại cuộc họp giao ban ngày 5/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Đến nay Việt Nam có 3 ứng viên vaccine, 1 loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn một cho kết quả tốt và đã tiến giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vaccine còn lại, tới đây Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể”.

Theo Phó Thủ tướng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân, vì những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

“Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu. Nhưng trong một thời gian ngắn trước mắt, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine”, Phó Thủ tướng nói.

Để phục vụ mục tiêu kép, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn.

Ban Chỉ đạo lưu ý, trong thời gian tới, với việc triển khai tiêm vaccine rộng rãi ở các nước cũng như tại Việt Nam thì cần chuẩn bị sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...