Hướng dẫn nêu rõ, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ trì với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tài liệu tập huấn về vaccine COVID-19, theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng, hoàn thành trước khi triển khai tổ chức tiêm chủng 10 ngày.
Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn cho dự án tiêm chủng mở rộng khu vực, sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, tỉnh trước khi triển khai tiêm chủng ít nhất 5 ngày.
Cục Y tế dự phòng chủ trì hướng dẫn việc triển khai kế hoạch tiêm chủng cho các tỉnh, thành phố từ 5/3-7/3/2021.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách đơn vị tiêm chủng, số lượng đối tượng tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố và thông báo cho Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để được cung ứng vaccine. Thời gian triển khai từ 7/3-10/3/2021.
Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 tại địa phương và chỉ đạo việc lập danh sách đối tượng tiêm theo nhóm nguy cơ trong vòng 7 ngày sau khi Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, hình thức tiêm chủng sẽ được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn, trường hợp cần thiết, các sở y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia.
Các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng… thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ Trung ương đến địa phương. Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Các cơ sở tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng, sở y tế các tỉnh, thành phố… trong quá trình sử dụng vaccine tiến hành theo dõi, giám sát phản ứng thông thương và tai biến nặng sau tiêm theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Các hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Thông tư số 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 và Thông tư 05/2020/TT-BYT sửa đổi, cập nhật một số điều của Thông tư 24/2018/TT-BYT ngày 18/9/2018 của Bộ Y tế đã được đào tạo, tập huấn hàng năm về các hoạt động chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vacine.
Quy trình chẩn đoán và xử trí phản vệ tuân theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Quy trình được đào tạo định kì cho các cán bộ tham gia vào quá trình tiêm tại các tuyến, các cơ sở khám chữa bệnh.
Các cơ sở thực hiện tiêm chủng, đối với các đơn vị đủ điều kiện tiêm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định. Đối với các cơ sở y tế chưa công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng, sở y tế chỉ đạo việc triển khai các cơ sở tiêm chủng lưu động bảo đảm đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai kế hoạch của địa phương.
Khối bệnh viện Trung ương, tỉnh/thành phố, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương nhưng phải bảo đảm đúng đối tượng theo quy định. Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã theo sự phân công của địa phương.
Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố, trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, các bệnh viện phải dự phòng một cơ số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Tại các trạm y tế cấp xã, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động. Thực hiện tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mãn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương, sau khi kết thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm (các đối tượng tiêm phải đúng quy định). Bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Với các bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc các bộ, ngành, cần xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình quy định và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.
Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế. Bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.